Tâm linh hôm nay

Ba mươi biểu hiểu thực hiện của Duy thức trong tiếng Phạn (câu số 3) (P.2)

Trong Phật học chữ Dharma (धर्म) thường được hiểu là Pháp hay những lời dạy của Đức Phật và qua câu này của Ngài hay nói cũng là hình ảnh biểu trưng cho chữ Pháp thường hay nghe nói trong kinh Phật: Nầy chư Tỳ kheo, bây giờ cũng như trước đây, Như Lai chỉ dạy về Khổ và Con đường Diệt khổ.

असंविदितकोपादिस्थानविज्ञप्तिकं च तत्।

सदास्पर्शमनस्कारवित्संज्ञाचेतनान्वितम्॥३॥

Asaṃviditakopādisthānavijñaptikaṃ ca tat|

Sadā sparśamanaskāravitsaṁjñācetanānvitam||3||

Từ vựng:

Ālaya (आलय) là hô cách số ít trong bảng biến thân của ālaya ở dạng giống đực trung tính. Ālaya (आलय) có gốc từ ālī (आली). Ālī (आली) là chữ ghép từ : Ā (आ) +lī (ली).

Ā (आ) là chữ đầu tiên của bảng chữ cái và cũng là một nguyên âm ngắn trong tiếng Phạn. Ā (आ) là chữ được dùng để đổi ý nghĩa của các từ vựng. Ā (आ) là giới từ: từ khi | Ā (आ) là trạng cách: đến khi, ngay khi, xa hơn nữa | Ā (आ) là liên từ: nhiều hơn, ngay cả…| Ā (आ) là tiếp đầu ngữ có nghĩa là không…

Động từ căn √ lī,(√ली), thuộc nhóm [4] và có những nghĩa tùy theo thể chia thì của nó để dùng được biết như: ở, trú ngụ, cư trú, che, giấu, che đậy, không biểu lộ ra, ẩn tàng…

Ālaya (आलय) có những nghĩa được biết như: nhà, nơi ở, nơi ẩn náu, nơi nương náu, đền, miếu, giáo đường…

Trong Phật học Ālaya (आलय) thường được hiểu như là cội gốc của các thức hay là nền tảng cho muôn vật phát sinh hoặc thức căn bản của mọi hiện tượng. Đôi khi người ta còn gọi nó là Hàm tàng thức.

Đặc tính của thức là gì? Là cái biết, hay cái để biết khi nó tiếp xúc với các đối tượng khác nhau thí dụ như: Sắc (Rūpa (रूप)), Thanh (Śabda (शब्द)), Hương (Gandha (गन्ध)), Vị (Rasa (रस)), Xúc (Sparśa (स्पर्श)), Pháp (Dharma (धर्म)), qua các hoạt động của nó.


"Sắc" thường được hiểu như là cái để chỉ cho sự phát sanh và biến diệt của mọi hiện tượng vật chất trong đời sống nhân loại. "Sắc" tiếng Phạn gọi là Rūpa (रूप).

Rūpa (रूप) là hô cách số ít trong bảng biến thân của rūpa (रूप) ở dạng trung tính. Rūpa (रूप) có gốc từ động từ căn √Rūp,(√ रूप्) và có nhiều nghĩa: hình tượng, làm biểu trưng, diễn đạt bằng hành động…

Rūpa (रूप) bao gồm những nghĩa đại loại như sau : Hình tượng, hình thức, ký hiệu, xuất hiện, bên ngoài, hình ảnh, màu sắc, loài giống, ân sủng, làm đẹp, nhận thức, tầm nhìn, một yếu tố trong ngũ uẩn của nhà Phật.

Trong Phật học chữ Rūpa (रूप) thường thấy trong các kinh, thí dụ: Rūpa skandha (रूप स्कन्ध): Sắc uẩn. | Rūpa Loka (रूप लोक): Thế giới hữu sắc. | Rūpa kāya (रूप काय): Sắc thân. | Rūpa dhātu (रूप धातु): Cõi sắc giới | Nāma rūpa (नाम रूप): danh sắc| Arūpa dhātu (अरूप धातु ): Cõi không sắc giới hay cõi vô sắc giới…

Rūpa dharma (रूप धर्म) trong Phật học thường được hiểu là Sắc Pháp. Như đã biết "Sắc" thường được hiểu như là cái để chỉ cho sự phát sanh và biến diệt của mọi hiện tượng vật chất trong đời sống nhân loại.

Dharma (धर्म) có gốc từ dharman (धर्मन्) và Dharman (धर्मन्) được ghép từ dhṛ (धृ) và thân kép –man (मन्). Động từ căn √ dhṛ (√ धृ), thuộc nhóm 1 và nó có những nghĩa được biết, tùy theo các thì chia của nó trong văn phạm tiếng Phạn như: giữ, nắm giữ, duy trì, hỗ trợ, ủng hộ, chịu đựng, bảo tồn, ngăn chặn, dừng lại, xóa, áp đặt, quyết định…

-Man (॰मन्) là âm đuôi dùng làm rộng nghĩa cho động từ căn √ dhṛ (√ धृ).

Dharma (धर्म) có những nghĩa được biết như sau: Pháp luật, điều kiện, bản chất thật của thiên nhiên, luật thuộc về thể chất, sự xếp đặt trật tự trong thiên nhiên, nhiệm vụ, trách nhiệm, bổn phận, đạo luật, đức hạnh, công lý, đạo đức, công bằng, công đức, được trao tặng…

Chữ dharma (धर्म) vốn có nhiều nghĩa nhưng trong phần nói về quán niệm về pháp, dùng nghĩa theo chữ "nắm giữ" của động từ căn √ dhṛ (√ धृ), thì có lẽ thích hợp hơn. Bởi vì nó mang đặc tính nói lên sự nắm giữ bao hàm trọn vẹn tất cả các pháp trong thế gian mà trong đó gồm có các bản tính và các chức năng hoạt động khác nhau của con người.

Dharma (धर्म) cũng được xem là một trong những báu vật quý trong Tam bảo (Triśaraṇa) qua những câu người ta thường đọc như sau:

बुद्धं शरणं गच्छामि।Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi. | Con xin quy y Phật .

धर्मं शरणं गच्छामि।Dharmaṃ śaraṇaṃ gacchāmi. | Con xin quy y Pháp.

संघं शरणं गच्छामि।Saṃghaṃ śaraṇaṃ gacchāmi. | Con xin quy y Tăng.

Dharma (धर्म) Việt dịch là Pháp. Trong tiếng Phạn, Dharma (धर्म) là một từ đa nghĩa. Đức Phật nói: "Ta đã thấu được pháp thâm diệu khó nhận, khó hiểu, vắng lặng, tuyệt vời, không biện giải gì được. Nó cũng tinh tế chỉ có bậc Thánh nhân mới hiểu được". Đây cũng là một ngụ ý nói lên chữ Pháp cũng rất là khó để mà giải thích một cách đầy đủ.

Trong Phật học chữ Dharma (धर्म) thường được hiểu là "Pháp" hay những lời dạy của Đức Phật và qua câu này của Ngài hay nói cũng là hình ảnh biểu trưng cho chữ Pháp thường hay nghe nói trong kinh Phật: "Nầy chư Tỳ kheo, bây giờ cũng như trước đây, Như Lai chỉ dạy về Khổ và Con đường Diệt khổ".

Con Đường Diệt Khổ, đó chính là Bát Chánh Đạo (Āryāṣṭāṅgamārgaḥ( आर्याष्टाङ्गमार्गः)), nó gồm có: Chánh Kiến (Samyagdṛṣṭiḥ (सम्यग्दृष्टिः)), Chánh Tư Duy (Samyaksaṃkalpaḥ (सम्यक्संकल्पः)), Chánh Ngữ (Samyagvāk (सम्यग्वाक्)), Chánh Nghiệp (Samyakkarmāntaḥ (सम्यक्कर्मान्तः)), Chánh Mạng (Samyagājīvaḥ (सम्यगाजीवः)), Chánh Tinh Tấn (Samyagvyāyāmaḥ (सम्यग्व्यायामः)), Chánh Niệm (Samyaksmṛtiḥ (सम्यक्स्मृतिः)), Chánh Định (Samyaksamādhiḥ (सम्यक्समाधिः)).

Trích trong Tinh hoa Phật học

Ts.Huệ Dân

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


Huệ Dân

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/ba-muoi-bieu-hieu-thuc-hien-cua-duy-thuc-trong-tieng-phan-cau-so-3-p2-d19690.html)

Chủ đề liên quan:

thực hiệ thực hiện

Tin cùng nội dung