Một nhóm các nhà khoa học thuộc các trường đại học danh tiếng của Australia đã đưa ra kết luận trên trong một nghiên cứu chung công bố ngày 10/7.
Theo lý giải của Giáo sư Ralph Nanan, thuộc Trung tâm Charles Perkins của Đại học Sydney, một trong những tác giả nghiên cứu, mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và bệnh lý tiền sản giật là do acetate - hợp chất sản sinh trong vi khuẩn đường ruột của thai phụ trong quá trình hấp thu chất xơ. Qua thực nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện những thai phụ có xu hướng mắc chứng tiền sản giật có lượng hợp chất acetate thấp hơn so với những thai phụ khỏe mạnh.
Thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu phát hiện ở những chuột mẹ bị tiền sản giật, sự phát triển của tuyến ức - cơ quan miễn dịch quan trọng, ở thai chuột đã giảm rõ rệt, khiến cơ quan này ở chuột sau khi được sinh ra có kích thước nhỏ hơn bình thường. Tuyến ức là một cơ quan nằm dưới xương ức, là cơ quan miễn dịch rất quan trọng bởi cơ quan này chịu trách nhiệm sản sinh các tế bào ngăn chặn các bệnh về dị ứng.
Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học hy vọng phụ nữ trong giai đoạn đầu mang thai chú trọng bổ sung nhóm thực phẩm lành mạnh ăn nhiều rau xanh, củ quả, cá, giảm bớt thực phẩm đạm cao như thịt đỏ để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và sức khỏe của thai nhi.
Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối thai kỳ với 3 triệu chứng: Tăng huyết áp, protein niệu và phù. Hiện tỷ lệ thai phụ mắc bệnh lý này khoảng 10% và trong hầu hết các trường hợp này, các thai phụ buộc phải xử lý theo hình thức sinh non để ngăn chặn biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con.
Lan Phương (TTXVN)