Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Bứt phá của y tế Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi còn nghèo. Tuy còn khá khó khăn về kinh tế, song lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa – xã hội, đặc biệt là y tế.

Đánh giá chung, các cơ sở thuộc hệ thống khám chữa bệnh (KCB) của địa phương có năng lực chuyên môn khá mạnh, có thể nói là mạnh nhất nếu so sánh với các cơ sở KCB cùng tuyến, trong khu vực trung du miền núi phía Bắc và Tây Bắc. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ.

TS. Nguyễn Huy Ngọc.

Phú Thọ phát triển khá đồng bộ ở tất cả các tuyến, gồm có BVĐK tỉnh (xếp hạng I), 4 bệnh viện chuyên khoa (Lao, Mắt, Tâm thần, YDCT), 13 TTYT tuyến huyện, 277 trạm xã, 1 bệnh viện tư nhân, 2 bệnh viện ngành, đảm trách việc khám chữa bệnh cho khoảng 1,4 triệu dân. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh/huyện đang bố trí 6.685 giường bệnh (3.030 giường bệnh pháp lệnh, 3.655 giường bệnh xã hội hóa). Người dân trong tỉnh yên tâm khám chữa bệnh ngay tại quê hương, không phải lặn lội gần 100 km về tận Hà Nội để chờ đợi được khám chữa bệnh, giảm sự lãng phí, tốn kém về tiền bạc và thời gian, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Đáng mừng hơn nữa, BVĐK tỉnh Phú Thọ được Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ là tuyến cuối trong công tác KCB của một số tỉnh lân cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái và Vĩnh Phúc.

Để Phú Thọ khởi sắc mạnh mẽ, có thể nói là bứt phá một cách đồng đều, toàn diện trong các năm qua, tôi cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là Phú Thọ đã nhận được sự quan tâm sâu sát, sự quyết liệt, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự thông thoáng trong việc tạo ra các cơ chế chính sách đầu tư, phát triển hệ thống của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Y tế và sự ủng hộ giúp đỡ của các sở ban ngành trong tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn xác định đầu tư cho chính là đầu tư cho phát triển một cách bền vững, vì con người và cho con người.

Sự phát triển về chuyên môn kỹ thuật, đứng đầu là BVĐK tỉnh của Phú Thọ khá vững chắc. Vậy, ngoài đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực, điều gì đã làm nên chất lượng chuyên môn kỹ thuật của Phú Thọ?

Chúng tôi tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ 4 khâu đột phá là cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và công nghệ. Ngoài cơ sở vật chất được đầu tư khá tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao được thu hút, đào tạo, đào tạo lại liên tục tại các cơ sở uy tín trong và ngoài nước, Phú Thọ cũng chú trọng đầu tư các trang thiết bị hiện đại để áp dụng công nghệ cao; sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn và quản lý các hoạt động; đồng thời tham gia sớm và hiệu quả vào các Đề án như bệnh viện vệ tinh, 1816.

Máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy tại BVĐK tỉnh Phú Thọ.

Với Đề án bệnh viện vệ tinh, BVĐK tỉnh Phú Thọ được tham gia là Bệnh viện vệ tinh của 8 BV tuyến Trung ương: BV Việt Đức, Viện Tim mạch Việt Nam (BV Bạch Mai), BV Nhi Trung ương, BV Phụ sản Trung ương, BV Nội tiết Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và BV K Trung ương. BVĐK tỉnh lại tiếp tục hỗ trợ phát triển chuyên môn cho các cơ sở KCB tuyến huyện.

Nhờ vậy, tuyến tỉnh là “đầu tàu” phát triển nhanh, mạnh, chuyên sâu. Y tế huyện, xã là “chân đế” đảm bảo chất lượng dịch vụ cơ bản. Những cơ sở KCB tuyến huyện có khả năng, có nguồn lực được khuyến khích bứt phá, tăng tốc để hỗ trợ các huyện xung quanh.

“Quả ngọt” của Phú Thọ nhận được là gì sau khi tham gia các Đề án Bệnh viện vệ tinh, 1816, thưa ông?

Các đề án Bệnh viện Vệ tinh, 1816 thực sự đã và đang phát huy hết sức hiệu quả trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ thầy Thu*c của tỉnh; giúp người bệnh được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tỉnh, giảm tốn kém cho người bệnh/người nhà người bệnh và giảm quá tải cho tuyến trung ương.

“Quả ngọt” thu được từ Đề án thì rất nhiều! Chúng tôi có trách nhiệm xây dựng và vun đắp để tiếp tục có nhiều “quả ngọt” hơn nữa, để phục vụ người dân tốt hơn. Ví dụ với chuyên ngành ung bướu, chuyên ngành tim mạch trước đây khi chưa tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh, BVĐK tỉnh Phú Thọ phải chuyển viện đến 70% người bệnh về Hà Nội. Hiện nay, số phải chuyển viện ở các chuyên ngành này chỉ còn dưới 1%, thấp nhất so với số liệu các tỉnh trong cả nước.

Các gói kỹ thuật khác cũng được Đề án chuyển giao rất hiệu quả như: Chẩn đoán và điều trị đồng bộ các bệnh lý tim mạch; Can thiệp chụp động mạch não, động mạch vành, động mạch chi; Nong và đặt stent mạch vành, mạch ngoại vi; Nút động mạch gan, nút động mạch tử cung; Ghép thận; Hỗ trợ sinh sản; Các phẫu thuật về não, sọ não, cột sống...

Với cơ sở KCB tuyến huyện, nếu có năng lực được khuyến khích “bứt tốp” để phát triển.Ví dụ, như TTYT huyện Cẩm Khê (BVĐK huyện Cẩm Khê trước đây) đã làm chủ nhiều kỹ thuật mới trong điều trị bệnh như tán sỏi thận qua da; lấy sỏi đường mật, gắp giun chui ống mật qua nội soi; phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, cắt túi mật, cắt tử cung hoàn toàn; phẫu thuật lấy khối máu tụ trong chấn thương sọ não kín; các phẫu thuật kết hợp xương... Hằng năm, TTYT huyện Cẩm Khê đón tiếp, KCB cho trên 140.000 lượt người bệnh, tỷ lệ phải chuyển tuyến trên chỉ còn khoảng 3%.

Các TTYT huyện còn lại cũng nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ tuyến tỉnh; đồng thời tích cực thu hút các bác sĩ về làm việc ổn định lâu dài, chủ động đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho đội ngũ thầy Thu*c, nhân viên y tế, do đó đã làm chủ được 100% các kỹ thuật theo phân tuyến và khoảng 20-30% kỹ thuật khó vượt tuyến.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Thy (thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/but-pha-cua-y-te-phu-tho-n163251.html)
Từ khóa: y tế phú thọ

Chủ đề liên quan:

y tế y tế phú thọ

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY