Như tin đã đưa, sáng 5/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 11 bệnh nhân COVID-19. 2 trong số 11 người này là người tái dương tính SARS-CoV-2, nghĩa là từng được công bố khỏi bệnh trước đó nhưng rồi dương tính trở lại.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 12 ca tái dương tính COVID-19 sau khi được công bố khỏi bệnh. Một số ít người được đưa về cách ly, theo dõi y tế tại nhà, phần lớn được chuyển hoặc giữ lại cơ sở y tế để theo dõi thêm theo quy định.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 5 bệnh nhân tái dương tính (bệnh nhân 50, 74, 130, 137 và bệnh nhân 188). Hôm nay, bệnh nhân 74 và 137 được công bố khỏi bệnh.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19 (đồng thời là Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) đã có những chia sẻ xung quanh những ca tái dương tính này.
Theo GS Kính, những bệnh nhân tái dương tính khi quay trở lại bệnh viện không có bất kỳ một dấu hiệu lâm sàng nào, hoàn toàn khoẻ mạnh, ăn ngủ bình thường. Do đó, các bác sĩ không phải dùng Thu*c điều trị cho những bệnh nhân này, chỉ cách ly, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm và nuôi cấy virus.
Trong lần xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR sau khi được công bố khỏi bệnh trước đó, các bệnh nhân này có kết quả dương tính COVID-19.
Theo ông Kính, độ nhạy của phương pháp Realtime PCR này rất cao (98%). Bản chất xét nghiệm này là chỉ lấy đoạn mồi để phát hiện gene Y của virus SARS-CoV-2. Do đó, đây chỉ là xét nghiệm phát hiện mật mã di truyền của virus chứ không phải phát hiện toàn bộ con virus. Muốn phát hiện toàn bộ thì phải làm các biện pháp khác.
Ngoài ra, để khẳng định xem với ca tái dương tính như thế thì virus còn hoạt động hay không, buộc phải nuôi cấy virus.
Hiện Việt Nam là một trong số ít nước (đứng thứ 4) có thể nuôi cấy, phân lập được virus này ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE). Vì thế, tất cả trường hợp tái dương tính quay trở lại viện, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều theo dõi, phối hợp NIHE nuôi cấy virus cho các bệnh nhân tái dương tính, kết quả đều là âm tính.
"Với kết quả nuôi cấy như thế, một giả thuyết đặt ra, đây có thể là test phát hiện những phần, mảnh ARN của virus, có thể coi đó là "xác virus" trong quá trình thải loại virus ra khỏi cơ thể" - GS Kính nhận định.
Khẳng định tình trạng bệnh nhân COVID-19 dương tính trở lại là hiện tượng không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng có, Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng đây là 1 trong những thành phần đáp ứng miễn dịch, đáp ứng kháng thể của cá thể mỗi người, cần nghiên cứu thêm.
"Riêng về y tế công cộng thì chúng ta không e ngại gì với ca bệnh tái dương tính" - GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định.
Thực tế, các nhà khoa học, quản lý ở Việt Nam đã nghiên cứu, theo dõi dịch tễ ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và cả Việt Nam thì không hề có sự lây nhiễm giữa người tái dương tính cho người xung quanh dù có thể bệnh nhân đã về cộng đồng hoặc khu cách ly.
Những người thân hay người xung quanh tiếp xúc gần với bệnh nhân tái dương tính được xét nghiệm đều âm tính hoàn toàn.
Trong những lần trao đổi trước đó với báo chí, các chuyên gia Truyền nhiễm, Y học dự phòng đưa ra 3 giả thiết cho những ca tái dương tính. Gồm: Khả năng người đó chưa khỏi bệnh; Người đó khỏi bệnh rồi nhưng trong quá trình đào thải virus có virus bất hoạt (virus không hoạt động hay còn gọi là xác virus); Người lành mang trùng.
Với các bệnh nhân tái dương tính điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, GS Kính khẳng định "Họ hoàn toàn không phải là người lành mang trùng". Bởi muốn là "người lành mang trùng" thì virus phải sống, quá trình nuôi cấy phát hiện virus còn phát triển được.
Trong thực tế quá trình nuôi cấy virus của bệnh nhân tái dương tính thì phát hiện đây chỉ là "mảnh của nhiễm sắc thể", tức là xác virus thì virus không thể sống được. Sau khi vào viện một thời gian, các xét nghiệm của các bệnh nhân này đều quay về âm tính.
Chủ đề liên quan:
chuyên gia Covid 19 dương tính hoàn toàn không phải nhiệt đới nhiệt đới trung nhiệt đới trung ương tái dương tái dương tính trung ương