Răng , Hàm , Mặt hôm nay

Câu chuyện “hạt bắp”

Muốn có hàm răng đẹp, nụ cười duyên, hơi thở thơm tho… thì bạn phải biết cách chăm sóc “bộ nhai” của mình.
Khi bạn chào đời, hai hàm của bạn chả có cái răng nào; 2 tuổi, bạn có 20 cái răng sữa; 6 tuổi, những cái răng này từ từ rụng rồi những chiếc răng mới mọc lên gọi là răng vĩnh viễn. Khi thay đủ, bạn có 32 cái răng như hạt bắp xếp hàng ngay ngắn.

* Tại sao răng bị sâu?

Bạn ăn một ngày ít nhất là 3 bữa, chưa kể “
xen canh gối vụ” lúc cái kẹo, miếng bánh, trái cây... Hàm răng tiếp nhận, nhai… Tất cả các món đó đều bám dính vào chân răng. Nhưng thủ phạm nguy hiểm nhất là chất ngọt. Đường dính vào răng sẽ lên men thành acid, mỗi ngày một chút phá hủy lớp men răng. Các vi khuẩn trong miệng như lactobacililus và streptococcus mutans chạy đến dự “đại tiệc”- ăn men răng của bạn, đục vào đến tận “vùng sâu vùng xa” của răng, khi nó chạm đến thần kinh ở tủy răng thì bạn bị đau. Có bạn bị sưng tấy hàm, mỗi khi nhai đau điếng…

• Nha chu là gì?

Mấy chữ này nghe hơi khó hiểu. Nha là răng, chu là chu vi quanh răng mà chúng ta gọi là nướu. Nướu ôm lấy cổ răng, giúp răng cứng, chắc. Nếu thực phẩm bám vào cổ răng, khe răng thì vi khuẩn sẽ tấn công và gây viêm nướu tạo ra những mảng bám màu vàng. Thời gian trôi đi mảng bám bị vôi hóa gọi là cao răng. Ban đầu, những mảng bám chưa gây đau đớn gì, cho đến khi nướu bị viêm nặng, làm mủ, sưng tấy lên, hơi thở hôi… nghĩa là bạn đã bị nha chu. Nếu bạn không điều trị kịp thời, thì có nguy cơ răng lung lay, răng rụng…


• Có nên xỉa răng không?

Thống kê của Viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương thì 90% dân số Việt Nam bị bệnh về răng. Do chúng ta có thói quen xỉa răng bằng tăm tre, hay tăm gỗ. Đầu tăm to hơn kẽ răng, chúng sẽ “đục” kẽ răng của bạn làm cho tổ chức nơi này không phát triển được, kẽ răng rộng ra làm thức ăn giữ lại nhiều hơn. Tăm gây viêm, chảy máu răng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân viêm cổ răng, sâu răng và nha chu. Ở các nước tiên tiến tăm xỉa răng đã đi vào… dĩ vãng. Người ta dùng chỉ nha khoa. Bạn nên tạo ra thói quen mới, mang theo chỉ nha khoa mỗi khi dự tiệc hay đến lớp để lấy thực phẩm thừa ra khỏi kẽ răng.

• Chà răng hay đánh răng?

Đa số teen coi răng như là “ông chủ” đáng ghét, bắt “kẻ tôi tớ” này phục vụ nên bạn dùng cụm từ đánh răng. Bạn bơm kem vào bàn chải rồi nện răng “bụp, bụp” chưa đầy một phút là xong… Như vậy chẳng những không làm sạch mà bạn đã xử sự thô bạo với hàm răng của mình. “Nước chảy đá mòn”, men răng chỉ bao bên ngoài chiếc răng một lớp mỏng, sao nỡ mang “vũ khí bàn chải” ra mà “đánh”. Vì thế xin các bạn dùng hai chữ chà răng nhé!

Nhớ, chà răng ít nhất 2 lần một ngày, sáng và tối nha bạn. Đặc biệt là buổi tối, bạn ngủ, hệ thần kinh điều khiển bài tiết nước miếng cũng “ngủ”, vì thế sáng dậy miệng bạn bị khô, vi khuẩn cư ngụ nơi đây lên men thực phẩm thừa tạo ra mùi hôi. Thế nên bạn phải chà răng trước khi đi ngủ để vùng miệng được làm sạch, vi khuẩn lên men không có cơ hội… bốc mùi!

Chà răng, chăm sóc răng là việc “nói dễ, làm khó” bởi thói quen làm biếng và ngủ nướng.(Hi hi… chuyện này thì trúng phóc). Các bạn đọc bài này rồi thì nhớ làm theo nhé, đừng “lối cũ ta… dzề” kẻo đầu chưa bạc mà răng đã long.

AloBacsi.vn
Theo TS.BS Lê Thúy Tươi - Mực tím online
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/cau-chuyen-hat-bap-n46553.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY