Tâm sự hôm nay

Chỉ nửa năm, tôi đã trở thành người khác

Xưa nay tôi được đánh giá rất hiền lành, không tham gia tệ nạn, đánh đấm, ăn nói lễ phép và khá nhẫn.

Mọi chuyện khó khăn, xấu xa, hay bị ức hiếp, tôi đều trải qua nhẹ nhàng, thường sẵn sàng tha thứ và không quan tâm đến. Từ đầu năm 2020 đến nay, bỗng dưng trong người tôi rất lạ, trở nên vô cùng nhạy cảm. Xem một bộ phim tình cảm thì khóc, không ngăn được nước mắt. Xem phim có nhân vật ác quá, lòng ấm ức đến ngủ không được, cứ bồn chồn. Tính tình chi li, đố kỵ, kể lể của đồng nghiệp xưa nay tôi nghe như gió thoảng, không hề bận tâm, nhưng giờ lại khác, cứ hễ nghe tiếng nói của những người hay tính toán, so đo, đố kỵ là khó chịu vô cùng. Gặp bất kỳ ai có hành vi không đúng, đơn giản chỉ là vứt rác bừa bãi, tôi như muốn hận thù.

Đọc bài trên mục Tâm sự mà thấy người tồi tệ là trong lòng tôi như có lửa đốt, muốn làm gì đó để xả stress như bơi lội, đá bóng, câu cá,... Nhưng tồi tệ hơn là đi bơi ở hồ bơi, tôi lại thấy khó chịu với những người bơi chung, đơn giản họ chỉ lội ngang, chắn đường phía trước. Đá bóng thì chỉ vô tình va chạm nhẹ, không phải lỗi chơi xấu, tôi như muốn nổi điên lên. Còn khi câu cá mà không dính cá hay sẩy cá là điều bình thường, nhưng giờ tôi lại muốn bẻ cả cần câu. Tất cả tôi đều không thể hiện thành hành động, nhưng nó như thiêu đốt trong lòng và ngày một lớn hơn.

Mức độ stress đến mức tôi không muốn đi làm vì sợ bùng nổ, không muốn tiếp xúc với ai, chỉ muốn một mình. Cầm đến điện thoại lướt web một chút là khó chịu. Bây giờ tâm trí tôi như kiểu thù hận từ lâu và khả năng bùng nổ rất cao. Tình trạng này kéo dài khoảng nửa năm nay. Tôi đã có vài hành vi thô lỗ. Bạn bè đánh giá tôi như biến thành người khác. Thật sự tôi không biết phải làm sao. Xin chuyên gia và mọi người cho tôi lời khuyên.

An

Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:

Thân gửi đến An,

Những dòng thư bạn gửi đến đều ít nhiều lột tả sự bối rối, có phần hoang mang của chính người viết khi đề cập đến sự thay đổi của bản thân. Thay đổi là kết quả của quá trình trải nghiệm, điều sẽ luôn xảy ra ở bất cứ ai. Có điều những chuyển biến này ở bạn diễn ra đột ngột và quá khác lạ khiến bạn khó có thể chấp nhận. Bạn mong muốn được trở lại làm con người của trước kia: hiền lành, nhẫn nhịn, người mà mọi người vẫn quen thuộc. Nỗi lo lắng mình sẽ mất kiểm soát khiến bạn hoang mang và không thể đồng tình với những phản ứng mình đưa ra. Nhưng xét cho cùng, nếu không phải là người có trách nhiệm với bản thân, tôi tin bạn sẽ không gửi câu chuyện của mình để tìm sự trợ giúp. Mong rằng sau khi đồng hành cùng tôi đi hết lá thư này, bạn sẽ có được cách kiểm soát cảm xúc phù hợp.

Cảm xúc của con người vốn dĩ được thể hiện ra ngoài bằng cử chỉ, nét mặt, giọng nói,... là phương tiện để con người thể hiện thái độ, quan điểm của bản thân. Vì vậy, việc bộc lộ cảm xúc không hoàn toàn là điều tiêu cực, thậm chí còn được khuyến khích để con người đạt được sự cân bằng về tinh thần mà không bị dồn nén quá nhiều, gây ức chế.

Do đó, việc cảm thấy xúc động vì chứng kiến một câu chuyện buồn; cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy hành vi phi đạo đức, khi mọi thứ không diễn ra theo ý mình đều là những cảm xúc được coi là hợp lý và không nên bị chối bỏ. Tùy theo từng trường hợp sẽ có những cách phản ứng khác nhau. Điều quan trọng hơn cả là những cảm xúc này cần được thể hiện theo cách lành mạnh và không gây tổn hại cho bất cứ ai.

Trước đây, bạn luôn nhẫn nhịn và có thể nhẹ nhàng bỏ qua mọi chuyện. Đây sẽ là phản ứng tích cực và được khuyến khích sử dụng nhiều hơn trong những trường hợp mà việc nổi giận không nhằm mục đích giải quyết vấn đề. Phản ứng này có thể áp dụng trong những trường hợp như: khi bạn đi câu cá nhưng không thành công, khi chẳng may va chạm với người khác trong một trận bóng đá mà đối phương không hề cố ý,... Điểm chung của những tình huống này là người/vật không hề cố ý tác động tiêu cực lên bạn, và dù bạn có những hành động giận dữ ngay lúc đó sẽ không thể giải quyết vấn đề vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Một thái độ hòa hoãn, khoan thai sẽ có ích hơn với bạn ở những tình huống này.

Khi bạn đang cảm thấy rất khó chịu, sự giận dữ có thể làm xuất hiện hành vi bộc phát tiêu cực. Lúc này hãy dừng mọi việc đang làm trong một giây. Đây là một giây của sự tĩnh lặng hoàn toàn, không có điều gì có thể tác động đến bạn hoặc gây ra sự khó chịu làm xáo trộn suy nghĩ của bạn. Tự nhủ với bản thân rằng: "Một giây thôi. Mình chỉ cần bình tĩnh trong một giây này thôi. Không điều gì có thể tác động đến mình. Những điều đang diễn ra trước mắt chỉ đang thử thách tính kiên nhẫn của mình. Chỉ một giây thôi...". Hành động này sẽ nhanh chóng làm giảm cường độ cảm xúc trong bạn và giúp bạn bình tĩnh hơn.

Tuy nhiên, nhẫn nhịn không phải là đáp án cho mọi trường hợp. Bạn hoàn toàn có quyền bộc lộ cảm xúc giận dữ của mình, tránh gây tắc nghẽn về cảm xúc bên trong. Đó là những trường hợp bạn cần thể hiện để bảo vệ sự an toàn của bản thân khỏi sự xúc phạm, hoặc bảo vệ quyền lợi cá nhân đang bị lấy đi một cách vô lý...

Bài tập "một giây trì hoãn" phía trên vẫn nên được áp dụng vào những trường hợp này để bạn đủ tỉnh táo lựa chọn hành động tiếp theo. Ví dụ, những lời đố kỵ, kể lể của đồng nghiệp làm bạn cảm thấy tức giận. Góp ý với họ về những gì bạn nghe và cảm nhận là cách nên được sử dụng để bắt đầu cuộc nói chuyện. Nên cho đồng nghiệp của bạn biết rằng những điều họ làm đang tác động tiêu cực lên bạn thế nào và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mọi người.

Chắc chắn phải có sự kiện gì đó đã xảy ra để một người rất khoan dung, nhẫn nhịn và nhẹ nhàng trong quá khứ như bạn có nhiều thay đổi đến vậy. Trong khuôn khổ một bức thư tư vấn, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào cách thức phản ứng phù hợp với cảm xúc - thứ bạn đang quan tâm và cần nhất ở thời điểm hiện tại. Trong tương lai, nếu bạn tiếp tục gặp khó khăn trong việc thấu hiểu những đặc điểm mới của mình và những vấn đề về cảm xúc ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống như: sức khỏe, việc làm,...; tôi khuyến khích bạn tìm đến bác sĩ để được thăm khám cẩn thận và có sự hỗ trợ trực tiếp kịp thời của chuyên viên tâm lý.

Càng sống, càng trải nghiệm, chúng ta sẽ càng khám phá ra nhiều hơn những khía cạnh khác ở bản thân. Những điều mới mẻ này khi xuất hiện đôi lúc sẽ khiến chúng ta ngỡ ngàng và có phần nghi ngờ bản thân. Tuy nhiên, thay vì cảm thấy có lỗi và ghét bỏ những thay đổi mới này của mình, hi vọng bạn sẽ nhìn nhận đây là một cơ hội để bản thân học được cách làm quen và trở nên dễ dàng với con người mới. Chúc bạn sẽ sớm tìm được sự cân bằng cho cuộc sống của mình.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/chi-nua-nam-toi-da-tro-thanh-nguoi-khac-4134138.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY