Con cái là kết tinh của tình cảm vợ chồng, sau khi kết hôn có thêm đứa con là có thêm niềm vui hạnh phúc. Song song với đó, áp lực đè lên vai cũng bị nhân lên với nỗi lo chăm con ăn, nuôi con học. Thậm chí, xoay quanh vấn đề nuôi dạy con, nhiều cặp vợ chồng cũng nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng quan điểm dẫn tới lớn tiếng cãi vã giống như đôi vợ chồng trẻ trong câu chuyện dưới đây.
"Chồng em ham việc, anh ấy đi tối ngày. Với anh công việc là trên hết, 1 tháng 30 ngày đi sớm về muộn. Vợ từ lúc bầu bí tới khi sinh, anh chỉ đưa đi khám được duy nhất 1 lần đầu là khi thai được 8 tuần tuổi, còn lại tự em phải lo liệu. Tủi nhất là những tháng cuối, bụng chửa vượt mặt em vẫn phải vào viện làm thủ tục đăng ký sinh một mình, bác sĩ quen mặt còn tưởng em là mẹ đơn thân.
sau sinh em lại tự chăm con, chồng chỉ về nhà để ngủ, có khi cả tuần không ăn ở nhà bữa nào. con cái ốm đau thế nào anh cũng không biết. vợ mà lên tiếng góp ý bảo anh phải dành thời gian nhiều hơn cho gia đình thì anh cằn nhằn nói rằng mấy việc nhà cửa, con cái em phải tự lo, không thể quàng lên cổ anh. nói chung tư tưởng của chồng em là nhiệm vụ của anh ấy chỉ kiếm tiền, mọi thứ khác em phải gánh. nếu em không hoàn thành theo ý chồng là kiểu gì anh cũng nói không ra gì. nhất là chuyện nuôi dạy con cái.
Lúc con nhỏ thì lo nó ốm đau, lớn thì lo học hành, chồng em chẳng bao giờ ngó ngàng tới thằng bé. Tháng 9 này con vào lớp 1, ở nhà em tranh thủ kèm con đếm số với tập viết chữ để sau đi học không bị bỡ ngỡ. Tối ấy ăn xong, tự nhiên chồng em lại mang con ra hỏi số với chữ cái. Anh hỏi mấy lần thằng bé không nhớ, vậy là quát tháo ầm ĩ. Em chạy vào góp ý, bảo phải nhẹ nhàng thì con mới bình tĩnh nhớ được bài. Ai dè anh ấy quát luôn vợ: 'Cái giống nhà cô chỉ được tới vậy. Nói chung giống mẹ thì không khá lên được'.
Trước giờ anh ấy vẫn coi thường vợ đi làm lương ít hơn chồng, vì gia đình, em vẫn nhịn. Nhưng trước mặt con cái, anh xúc phạm vợ như thế làm em ức không chịu nổi liền hỏi lại: 'Anh nói con là giống nhà tôi, giống mẹ nên không khá được, có nghĩa con không liên quan tới anh đúng không?'.
Một mạch em về phòng mang giấy khai sinh của thằng bé đặt mặt bàn bảo: 'Giấy khai sinh này là lúc trước chính anh đi làm cho con, tên bố thằng bé là anh. Lẽ nào người làm thủ tục ghi nhầm, hay chính anh nhầm. Nếu con tôi đã không liên quan gì tới anh thì tốt nhất anh đừng đứng vào giấy tờ của nó. Để mai tôi đi làm lại giấy khai sinh cho con tôi, coi như nó không có bố. Con sẽ mang họ của tôi'.
Ảnh minh họa
Nghe vợ nói, chồng em im như thóc vì biết mình đã nói hớ rồi. Tiện có bao nhiêu bức xúc trong lòng, em xả hết rằng bản thân quá mệt mỏi với sự vô tâm của anh ấy. Nếu anh còn cứ tiếp tục sống như vậy, em không đủ sức mà lo toan gánh vác mọi việc. Sau buổi vợ chồng ngồi nói chuyện thẳng thắn đó, chồng em tuy không ra mặt nhận sai nhưng nghe vẻ thái độ cũng chỉnh đốn lại hơn. Anh biết đi làm về sớm để trông con cho vợ nấu nướng rồi kèm còn học, chứ không ì hết lại cho em như trước đây".
Cuộc sống gia đình luôn cần có sự nỗ lực của hai người cùng chung tay góp sức để tạo dựng một mái ấm hạnh phúc. hôn nhân khó tránh khỏi những lúc vợ chồng to tiếng, tranh cãi nhưng chúng ta cứ thẳng thắn nói chuyện để giải quyết triệt để vấn đề mang tính chất xây dựng sẽ tốt hơn là 1 bên nhẫn nhịn còn 1 bên vô tâm. bởi khi ấm ức dồn nén trong lòng quá nhiều mà không được giải tỏa dễ dẫn tới rạn nứt gia đình. điều ấy mới thực sự nguy hiểm. hẳn rằng sau chuyện lần này, người chồng trong câu chuyện sẽ hiểu và biết chia sẻ những gánh nặng cuộc sống cùng vợ hơn.
Theo GiadinhNet