Đến bây giờ, đã tròn 20 năm kể từ khi tôi được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.
Đến bây giờ, đã tròn 20 năm kể từ khi tôi được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Hàng ngày, tôi đến bệnh viện, khám bệnh cho bệnh nhân, chiều về làm công việc gia đình. Vẫn là nhịp sống lặp lại như vậy nhưng tôi chưa bao giờ chán bởi vì mỗi ngày qua đi lại có một điều mới lạ, lại là những bệnh nhân mới với bao nhiêu nỗi niềm trăn trở, bao nhiêu tâm sự và cũng đưa đến cho tôi những băn khoăn, trăn trở.
Hôm nay, tôi khám cho một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, nét mặt buồn buồn. Chị chào tôi và tôi bắt đầu hỏi bệnh chị như bao nhiêu bệnh nhân khác:
- Làm sao chị phải đi khám bệnh?
Chị lặng người đi một lúc rồi cố gắng bình tĩnh trả lời, giọng như nghẹn lại:
- Tôi bị mất ngủ, bác sĩ ạ!
Chưa kịp nói gì, những giọt nước mắt đã lăn trên hai gò má, tôi vội đưa cho chị tờ giấy, lau nước mắt, chị cố kìm nén cảm xúc và kể với tôi: Chị là hiệu trưởng của một trường học, công việc ở cơ quan chị làm rất tốt, lúc nào chị cũng yêu nghề, yêu trẻ, quý mến đồng nghiệp nhưng cuộc sống riêng của chị có những điều làm chị phải căng thẳng suy nghĩ và chị đã mất ngủ từ nhiều tháng nay.
Sau khi lập gia đình và có một cháu trai 9 tuổi, chồng chị mất vì một căn bệnh nan y, sau đó chị có đi bước nữa với một người bạn của chồng có vợ mất trong một T*i n*n để lại cho anh một người con gái. Số phận đã gắn kết hai người với nhau, một gia đình hạnh phúc, hai anh em yêu thương nhau, vợ chồng anh chị còn có thêm một cháu gái học giỏi, ngoan. Mọi người xung quanh đều ngưỡng mộ gia đình chị là một gia đình hạnh phúc. Nhưng dù yêu thương vợ con, gia đình hạnh phúc nhưng anh vẫn không vượt qua được những quan niệm còn nặng nề ám ảnh anh và mọi người trong gia đình nội tộc nhà anh: Mình không có con trai, lại là con duy nhất trong gia đình, không có con trai lấy ai mà thờ cúng tổ tiên sau này? Anh đã có lần cố gắng động viên chị xem có sinh thêm được thằng cu nữa không nhưng chị cũng đã có tuổi, lại thêm công việc bận rộn và mắc bệnh cao huyết áp, không thể sinh thêm cho anh được thằng cu. Cứ mỗi lần đi gặp bạn bè liên hoan tiệc tùng, anh lại chịu sự khích bác của bạn bè, anh lại thêm suy nghĩ nung nấu ý định tìm cách có được người nối dõi tông đường.
Mọi việc vẫn như bình thường, cuộc sống của chị vẫn bình lặng nếu như không có một ngày chị thấy tiền bán hàng của gia đình mà chị vẫn giao cho anh quản lý ngày một hao hụt đi, một người bà con hàng xóm đã nói đến tai chị: Chồng em hay sang làng bên đưa cô X và thằng con cô ấy đi khám bệnh lắm đấy!
Chị âm thầm theo dõi, cuối cùng, chị đã biết một điều: Anh ấy đã kiếm được một thằng cu nối dõi. Chị đã hỏi anh, anh chỉ im lặng không nói gì và nói rằng vẫn yêu vợ con nhưng …
Chị âm thầm đau khổ, suy nghĩ, cảm giác căng thẳng bức xúc trong người. Bệnh mất ngủ của chị ngày càng nặng hơn, ăn uống kém hơn, người chị gầy đi. Chị tâm sự: Cứ hàng ngày chị đến cơ quan làm việc thì không sao, nhưng khi đi làm về, ngang qua làng bên, rồi khi nghe bà con hàng xóm nói ra nói vào là chị lại buồn, không muốn làm việc gì. Đã một tuần nay chị lên nhà con trai ở Hà Nội thì chị lại ngủ được bình thường và cảm thấy thoải mái hơn.
Tôi rất hiểu tâm trạng của chị lúc này, hẳn nếu anh không còn yêu thương chị như nhiều trường hợp khác thì mọi việc lại dễ giải quyết nhưng chỉ vì một quan niệm cổ hủ, lạc hậu mà anh không vượt qua được đã làm cho người thân yêu của mình sống trong đau khổ, gia đình không còn hạnh phúc, thậm chí có khi là phải chia lìa. Tôi chia sẻ: “Tôi rất hiểu hoàn cảnh của chị, nhưng trong lúc này, chị phải vững vàng vượt qua để giữ gìn sức khỏe của mình. Trước tiên, chị phải yêu thương mình trước đã, không phải căng thẳng suy nghĩ mà hại sức khỏe của mình, chị hãy chia sẻ với bạn bè, gia đình, những người thân, chị hãy ở với con trai chị để chị bình tĩnh lại, sau đó mọi việc theo thời gian sẽ nguôi ngoai dần”.
“Có lẽ cũng phải vậy thôi em ạ”, chị nói. “Trước kia, chị nghĩ rằng mình làm tốt công việc, chăm lo gia đình, chăm chồng con mà chị đã không để ý đến bản thân, thế là một người vợ, người mẹ tốt. Nhưng bây giờ chị đã suy sụp quá, chị thật sự bị sốc”.
Tôi hiểu, có lẽ đây lại là một người phụ nữ hy sinh tất cả vì gia đình. Nhưng các chị đâu có hiểu sự hy sinh của các chị là một sự cam chịu nhẫn nhịn quá mức và đó là một sự bất bình đẳng một cách vô lý núp dưới một ý nghĩ cao đẹp “sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam” mà bấy lâu nay các chị vẫn thường tự hào. Với các chị dù sao thì vẫn là những người có trí thức nên dù bị những áp lực gia đình đè nặng nhưng tôi biết các chị vẫn còn được hạnh phúc hơn những người phụ nữ ở các vùng quê, nơi những hủ tục phong kiến còn nặng nề len lỏi khắp nơi, thấm sâu vào tư tưởng của họ. Những ông chồng nát rượu, sáng say, chiều say, đánh đập vợ con vì họ cho rằng họ có quyền được thế. Rồi mặc dù không nói ra nhưng phụ nữ trí thức như chúng tôi dù có đi học nước ngoài vài tháng hay một năm là lại canh cánh trong lòng mình đi thì sao, con cái ở nhà ai trông, chồng sẽ
như thế nào?...
Tôi đồng ý hy sinh là một đức tính tốt đẹp, là một điều cần thiết, nhất là thời chiến tranh, nhờ sự hy sinh này mà đã làm nên lịch sử nhưng đến bây giờ chúng ta phải biết hy sinh
như thế nào cho đúng chứ không phải hy sinh là một sự đày đọa về thể xác và tinh thần.
BS.
Trịnh Thị Bích Huyền