Khối lập phương nhiều màu
Người bác sĩ tận tâm cố gắng hết mức có thể điều trị cho bệnh nhân mặc dù biết rằng cô ta dù có thể qua được đợt này và ra viện thì sớm muộn sẽ quay trở lại vì những đợt biến chứng khác. Y học là hữu hạn.
Người bác sĩ tận tâm cố gắng hết mức có thể điều trị cho bệnh nhân mặc dù biết rằng cô ta dù có thể qua được đợt này và ra viện thì sớm muộn sẽ quay trở lại vì những đợt biến chứng khác. Y học là hữu hạn.
Cuộc đời dường như là một dãy những mâu thuẫn liên tiếp, mâu thuẫn trước kết thúc để mở ra mâu thuẫn thứ hai. Cứ thế giằng xé nhau, ai đúng ai sai khó mà phân định được. Theo mình nghĩ, cuộc sống không có đúng sai mà hiện tượng được tạm coi là đúng khi nó được đặt tại thời điểm nó diễn ra. Nếu đưa sang hoàn cảnh khác, nó không còn đúng nữa và mang màu sắc khác.
Cuộc sống giống trò chơi khối lập phương rubik nhiều màu, nhìn mặt này nó màu đỏ, xoay mặt kia nó màu xanh, mặt khác màu vàng. Mình như đứa trẻ chơi trò xoay vặn mãi không sao đưa chúng về đồng màu được.
Câu chuyện bắt đầu từ những mắt xích khác nhau, và sự kết nối những mắt xích tùy thuộc vào người đọc nó đang ở vị trí nào.
Một cô gái trẻ tuổi bị Basedow nhiều năm, phát hiện thêm u tủy cổ đã được mổ và để lại di chứng liệt tủy, nằm một chỗ không thể cử động gần 2 năm. Cô mới phát hiện thêm đái tháo đường do sử dụng corticoid kéo dài và hệ lụy của việc bất động cùng rối loạn cơ tròn là viêm bàng quang mạn tính cùng những đợt bội nhiễm phổi xuất hiện tần suất ngày càng dày. Mối liên hệ duy nhất của cô với cuộc đời này là giọng nói cùng 1 con mắt nhìn mờ mờ. Hàng ngày đứa con gái nhỏ 3 tuổi chơi thơ thẩn một mình, mẹ nó chỉ có ước ao duy nhất được chứng kiến đứa con nhỏ lớn lên.
Người bác sĩ tận tâm cố gắng hết mức có thể điều trị cho bệnh nhân mặc dù biết rằng cô ta dù có thể qua được đợt này và ra viện thì sớm muộn sẽ quay trở lại vì những đợt biến chứng khác. Y học là hữu hạn. Chi phí điều trị mỗi lần rất lớn vì bệnh nhân cần nằm tại nơi chăm sóc đặc biệt. Người bác sĩ đã có lúc nghĩ rằng cái ch*t có thể giải quyết được tất cả. Tuy nhiên lương tâm không cho phép anh ta bỏ mặc tính mạng của người bệnh, bệnh nhân còn nằm tại khoa ngày nào thì phải cố gắng hết sức ngày đó. Mối liên hệ cuối cùng với cuộc sống xung quanh bị cắt đứt từ khi cô gái được đặt nội khí quản thở máy rồi mở khí quản. Dòng rã “n” ngày mất ăn mất ngủ, và hàng ngày anh vẫn thấy người chồng lưng còng xuống, cặm cụi bên cạnh vợ. Số tiền điều trị đơn vị triệu lên đến hàng trăm.
Một người chồng vừa học xong trung cấp, cưới cô bạn cùng học được 3 năm thì 2 năm chăm sóc vợ trong bệnh viện, chưa một ngày có bình yên. Hàng ngày vẫn tỉ mẩn bóp tay cho vợ, nói những câu ngọt ngào. Kể cho vợ nghe về đứa con của họ đang gửi bà ngoại chăm giúp, đứa con gần như không thấy mặt bố bao giờ vì ngoài thời gian trong bệnh viện, bố nó còn đi nấu ăn thuê cho một nhà hàng buổi tối kiếm tiền trả viện phí cho vợ. Chưa một lần được làm chồng một cách đúng nghĩa. Một ngày, bác sĩ phát hiện ra anh ta ngồi góc tường ngoài hành lang với bộ quần áo nhàu nhĩ, ôm đầu khóc như 1 đứa trẻ, khi con anh hỏi bố mẹ đâu với ánh mắt ngây thơ. Tay nó cầm cái bánh mì khô quắt từ bao giờ.
Người mẹ chồng 2 năm liền bỏ việc cùng con trai thay nhau ở nhà trông con dâu, khuôn mặt khắc khổ cùng dấu thời gian in hằn trên trán. Mỗi lần thay ca ngủ vạ vật ngoài hành lang, một giấc ngủ không tròn. Mỗi lần được nhân viên y tế gọi vào thông báo tình hình hay thảo luận phương hướng điều trị cùng chi phí điều trị, bà luôn hướng đôi mắt mệt mỏi pha lẫn trống rỗng buông một câu thở dài tùy bác sĩ.
Một người em trai thương chị nhưng chẳng giúp được gì bởi đang đi học. Thỉnh thoảng đến thay anh rể lúc nhát cho anh nghỉ ngơi và về thăm cháu. Nó trượt gần hết các môn học và suýt bị đình chỉ vì bỏ học quá số thời gian quy định. Khuôn mặt lúc nào cũng ngẩn ngơ, hỏi gì cũng không biết, chỉ biết gật và lắc như đứa thiểu năng trí tuệ. Có lẽ nó bị ám ảnh bởi những túng quẫn của cả gia đình mình.
Người bố đẻ tuổi gần đất xa trời chưa một lần đến chăm con gái tại bệnh viện. Ông ta hàng ngày đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Khuôn mặt nhăn nhúm in hằn vết thời gian. Giọng khê đặc và toàn mùi Thu*c lá, ông gặp bác sĩ 2 lần. Lần đầu tiên khi đến xin cho con gái về nhà. Lần thứ 2 đến cám ơn bác sĩ đã tận tình điều trị và làm sai nguyên tắc xóa gần hết chi phí điều trị cho bệnh nhân mà nếu phát hiện ra anh ta sẽ bị kỷ luật. Mọi người biết nhưng chẳng ai nói gì.
Chính vì quyết định cho bệnh nhân ở lại hay về đã làm cho mối quan hệ đồng nghiệp trở thành xung đột. Người phản đối cho rằng đợt bệnh này chưa phải quá nặng, và bệnh nhân còn có chút hy vọng, vẫn còn có cô bé con nhỏ đang đợi ở nhà, cho về lúc này nhẫn tâm quá. Dù có nằm 1 chỗ cũng tốt. Người đồng ý cho rằng không thể chữa cho 1 người thân tàn ma dại mà cả nhà phải đi ăn mày. Các luồng ý kiến khác nhau xoay vòng quanh cái gọi là lương tâm. Cuối cùng, bác sĩ quyết định cho bệnh nhân về với sự day dứt trong lòng.
Những người nhà bệnh nhân bên cạnh đến rồi đi, họ thì thào với nhau nhà này bỏ mặc con cái vợ chồng chăm nhau nhẫn tâm nhỉ. Nhân viên y tế cố giữ người ta lại để kiếm tiền nhỉ…
Một buổi chiều khi đến gặp lại bác sĩ lần thứ 2, người bố tuổi gần đất xa trời ho khù khụ giọng khê đặc: “Bác sĩ ạ, hôm đưa cháu nó về nhà, tôi đuổi chồng nó ra ngoài, đuổi mẹ nó ra ngoài, cháu nó thở mạnh lắm, tôi biết, tôi bảo cháu rằng con ơi về nhà rồi, con ở nhà với bố, có đi viện thì con cũng chỉ thế này thôi,thương chồng con con nhé. Cháu nhắm mắt trào nước mắt, tôi khóc, rồi đến chiều cháu đi. Tôi có ác không thưa bác sĩ?”.
Người bác sĩ bắt tay người bố không nói gì, người chồng mắt bâng khuâng ôm chặt đứa bé con vào lòng im lặng, đứa bé rúc vào nách bố, thỉnh thoảng lấm lét nhìn trộm bác sĩ sợ sệt. Hổ dữ cũng không bao giờ ăn thịt con, bác sĩ biết.
BS. Ngô Đức Hùng
Mạng Y Tế