Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Ma trận máy xét nghiệm Covid-19

Có công ty bán hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR hơn 7 tỉ đồng nhưng cũng có công ty bán với giá hơn 2 tỉ đồng, thậm chí là... 950 triệu đồng

xTheo Bộ Y tế, đến chiều 27-4, cơ bản các địa phương, bệnh viện đã có báo cáo về việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR, trong đó 15 đơn vị có mua sắm máy xét nghiệm trong thời gian từ năm 2019 đến nay, phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Mua theo chỉ định thầu

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết việc mua sắm máy xét nghiệm có nhiều thương hiệu khác nhau. Hệ thống xét nghiệm gồm 3 cấu hình: tách chiết, hệ thống pha trộn thử phản ứng và máy chạy phản ứng PRC. Các địa phương hầu như chỉ mua máy riêng hoặc mua của các hãng khác nhau, không mua toàn bộ hệ thống như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội. Mua trọn bộ hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR chỉ có TP Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam và máy của Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông (bán máy cho CDC Hà Nội) đều có giá cao so với mua của các hãng khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết khi mua sắm thiết bị xét nghiệm phục vụ chống dịch Covid-19, các địa phương phải tự chịu trách nhiệm và thực hiện mua sắm căn cứ trên nhu cầu thực tế. Việc mua sắm này cần thông tin công khai trên mạng và phải tham khảo giá trên trang điện tử về đấu thầu đã được công bố. Dù hình thức mua sắm máy xét nghiệm là chỉ định thầu vẫn cần tham khảo giá mặt bằng chung và giá thiết bị không được vượt giá trung bình.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá công tác xét nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu ngành y tế các tỉnh cần rà soát lại cơ sở trang thiết bị, nhân lực hệ thống các phòng xét nghiệm để tập trung hoàn thiện với tiêu chí sử dụng tối đa công năng tiện ích của máy, tránh lãng phí, không chỉ xét nghiệm dịch Covid-19 mà còn xét nghiệm được các dịch bệnh khác. Các tỉnh, thành phố mua sắm phải bảo đảm đúng quy định, nếu để xảy ra vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh. Hiện cả nước đã có 112 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm Covid-19, trong đó 48 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định.

Hệ thống xét nghiệm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh quản lý và sử dụng.Ảnh: TTXVN

Mỗi nơi một kiểu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết từ năm 2018, bệnh viện này đã đầu tư hệ thống máy xét nghiệm sinh học phân tử Realtime PCR. Nếu chỉ tính riêng máy Realtime PCR tự động thì chi phí chỉ vào khoảng 1,5 tỉ đồng, nhưng để có thể vận hành và cho ra kết quả xét nghiệm với các loại bệnh khác nhau cần phải đầu tư các hệ thống máy khác như máy tách chiết, máy thiết lập phản ứng, hệ thống đầu đọc, sinh phẩm... Chi phí đầu tư cho các hệ thống đi kèm này có thể lên tới cả chục tỉ đồng.

Đối với việc mua máy Realtime PCR tại tỉnh Quảng Nam với giá hơn 7,2 tỉ đồng, UBND tỉnh này sẽ tổ chức họp báo vào chiều 29-4 để thông tin cụ thể. Dự kiến tại cuộc họp báo sẽ có Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành liên quan và đại diện Công ty CP Thương mại và Đầu tư Giải Pháp Việt (đơn vị bán máy cho tỉnh Quảng Nam).

Trái với giá mua máy quá cao ở nhiều địa phương khác, CDC tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận một hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR do Công ty TNHH Hùng Phát (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tài trợ với giá được báo là 950 triệu đồng. Lãnh đạo công ty này cho biết đã mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR từ Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất, có xuất xứ từ Singapore.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho biết toàn bộ gói mua sắm thiết bị cho phòng chống dịch Covid-19 được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt là hơn 23 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu cung cấp gói thiết bị này là Công ty TNHH Thiết bị y tế Bình Minh (ở đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP HCM). Trong gói thiết bị này có 1 máy xét nghiệm Realtime PCR nhưng cũng chỉ có giá 1,6 tỉ đồng. Công suất tối đa của máy xét nghiệm này là 100 mẫu/ngày.

Còn tại tỉnh Gia Lai, Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường đã tặng cho Sở Y tế tỉnh Gia Lai hệ thống máy Realtime PCR xét nghiệm SARS-CoV-2. Hệ thống máy Realtime PCR xét nghiệm SARS-CoV-2 của hãng Eppendorf, có xuất xứ từ Singapore với giá 2 tỉ đồng. Máy này có thể xét nghiệm được khoảng 200 mẫu bệnh phẩm/ngày. Trước đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị thông tin với báo chí đã mua máy Realtime PCR với giá 1,5 tỉ đồng và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ với giá 650 triệu đồng. Hệ thống này cũng xét nghiệm đến 200 mẫu/ngày.

Giá máy của nước ngoài không cao

Công ty Thiết bị khoa học Nhật Bản Wakenyaku báo giá chi tiết một máy Realtime PCR Rotor-gene Q hiện tại dao động từ khoảng 547 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế và những thiết bị đi kèm). Còn theo trang Quora, một máy PCR đơn giản như Bio-Rad T100 thermal cycler có giá niêm yết hơn 115 triệu đồng (vào đầu năm 2019). Thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, chi phí cho các hệ thống xét nghiệm khoảng hơn 351 triệu đồng đối với máy Realtime PCR Rotor-gene và hơn 2,1 tỉ đồng đối với các hệ thống phức tạp QuantStudio 12k.

Trong khi đó, trên trang web của Qiagen, nhà cung cấp các công nghệ mẫu và xét nghiệm của Đức, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 được giới thiệu chi tiết nhưng không công khai về giá.

X.Mai

Xử nghiêm vi phạm sử dụng kinh phí chống dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng chống dịch.

Xét đề nghị của Bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch Covid-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh - thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, Thu*c chữa bệnh... phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, xử lý nghiêm.

D.Ngọc

Nhóm phóng viên

Mạng Y Tế
Nguồn: Người lao động (https://nld.com.vn/thoi-su/ma-tran-may-xet-nghiem-covid-19-2020042723112173.htm)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY