Tâm sự hôm nay

Người dân cần nhận thức đúng

Đúng như những gì Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ, đường dây nóng (ĐDN) là một trong những giải pháp tăng cường sự giám sát của người dân với các hoạt động y tế.
Đúng như những gì Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ, đường dây nóng (ĐDN) là một trong những giải pháp tăng cường sự giám sát của người dân với các hoạt động y tế. Đặc biệt, ĐDN còn là “camera” góp phần giúp lãnh đạo ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng giống nhiều số “nóng” khác như 113, 115… đã diễn ra tình trạng trêu đùa, báo nhảm vào ĐDN ngành y tế, bên cạnh đó là những thông tin sai lệch khiến những người phụ trách lẫn Bộ Y tế gặp khó khăn, phiền phức trong xử lý, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh.

Qua ĐDN, xử lý nghiêm nhiều sai phạm

Trong hội nghị trực tuyến Đổi mới thái độ phục vụ của nhân viên y tế với bệnh nhân sáng 22/4, Chánh văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2015, tổng cộng 8.366 cuộc gọi đến ĐDN ngành y tế, trong đó có 3.448 cuộc gọi (41,2%) đúng phạm vi xử lý của ngành, còn lại là không đúng phạm vi. Trong số các cuộc gọi đúng phạm vi, nội dung phản ánh của người dân về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế có số lượng gọi cao nhất là 946 cuộc (chiếm 27,1%); kế đến là phản ánh quy trình chuyên môn với 929 cuộc (chiếm 26,9%). Các cuộc gọi phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh đứng vị trí thứ 3 với 726 cuộc (chiếm 21,1%); tiếp đến là các cuộc gọi phản ánh các vấn đề liên quan đến viện phí và thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với 513 cuộc (chiếm 14,9%)…Trong 3 tháng qua, 2.075 cán bộ y tế bị nhắc nhở, 56 cán bộ bị khiển trách, 61 cán bộ bị cắt thi đua, 12 cán bộ bị điều chuyển vị trí công tác sang bộ phận khác, 1 cán bộ bị cách chức, 2 cán bộ bị nghỉ việc.

Tuy nhiên, cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Y tế, mặc dù việc triển khai ĐDN thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực nhưng nhiều người dân chưa hiểu rõ mục đích của việc thực hiện ĐDN nên rất nhiều các cuộc gọi của người dân không đúng phạm vi tiếp nhận và xử lý của ĐDN, bên cạnh đó còn không ít người lợi dụng để… giải sầu. Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh của người dân đến ĐDN có nội dung không đúng sự thật, gây mất thời gian cho cán bộ thanh tra để xác minh sự việc.

Những phản ánh không đúng gây khổ sở

Quá nửa số cuộc gọi không đúng nội dung phản ánh thực sự là một vấn đề khiến ngành y tế khổ sở và hoạt động của ĐDN cũng bị ảnh hưởng. Lực lượng thì có hạn, trong khi những cuộc gọi phản ánh như vậy đã làm tiêu hao rất nhiều công sức của đội ngũ nhân viên phụ trách cùng thời gian của nhiều cơ quan liên quan.

Theo quy trình tiếp nhận và xử lý, tất cả các cuộc gọi đến ĐDN đều được nhân viên tổng đài tiếp nhận, sau đó, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện và Sở Y tế các tỉnh, thành phố xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc. Vậy nên những cuộc gọi vu khống, bịa đặt, phản ánh sai sự thật không chỉ gây phiền toái, làm mất thời gian, công sức của nhân viên trực tổng đài, của cán bộ liên quan trong công tác điều tra xác minh, giải trình mà còn khiến những người trong cuộc rất bức xúc.

Thêm vào đó, trước mỗi phản ánh như vậy, sau khi có công văn của Bộ Y tế, các bệnh viện lại lập tức phải tập trung xử lý trong bối cảnh nhiều bệnh viện đang quá tải nên gây ra rất nhiều chậm trễ. Đáng chú ý hơn, mỗi lần xảy ra sự việc cần tìm hiểu sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều tới những cán bộ y tế. Nhiều y, bác sĩ bị phản ánh chỉ có tên, không có họ hoặc chỉ có khoa phòng chung chung... dẫn tới nhiều cái nhìn nghi ngại, nhiều phản ứng không tốt cho bản thân người bị nghi vấn.

Chẳng hạn, một cuộc gọi phản ánh sản phụ trong quá trình chờ sinh nở tại Bệnh viện đa khoa Cần Thơ, gia đình phải bồi dưỡng từ 500.000 - 1 triệu đồng thì mới được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc cẩn thận. Nhưng khi Sở Y tế TP. Cần Thơ liên hệ với gia đình sản phụ thì biết gia đình không hề phản ánh nội dung trên, ngược lại còn cảm ơn các y bác sĩ đã tận tình. Còn số điện thoại phản ánh là của một người… bán hoa quả.

Tương tự việc phản ánh tại Bệnh viện đa khoa Tam Điệp (Ninh Bình), Sở Y tế Ninh Bình được biết, người gọi điện là thợ xây đang làm việc tại Hà Nội. Người này cho biết có đến bệnh viện thăm người nhà và khi ngồi ở hành lang bệnh viện đã nghe đồn có chuyện như vậy nên đã gọi điện để phản ánh. Cùng đó, nhiều cuộc gọi khác lại chỉ để mang đúng nghĩa “giải sầu” khi thân nhân ngồi trông bệnh nhân buổi đêm trong viện.

Thiết nghĩ, ĐDN là một trong những nỗ lực của ngành y nhằm mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, vì vậy, việc nhiều người chưa hiểu rõ hoặc cố tình chọc phá đã khiến ảnh hưởng lớn tới chất lượng của đường dây, khiến nhiều sự việc phản ánh đúng đã bị chậm trễ trong xử lý. Do vậy, ngành y tế mong muốn người dân khi phản ánh cần nhanh chóng nhưng cũng phải cân nhắc về nội dung, không xuyên tạc, tố cáo thiếu cơ sở, để ĐDN hoạt động thực sự hiệu quả, mang lại những giá trị hữu ích cho chính bản thân người dân.

Hoàng Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nguoi-dan-can-nhan-thuc-dung-10164.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY