Trưa 15-5, nhiều người hàng xóm đến chia buồn cùng gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Đẹp (SN 1983; ngụ ấp 3, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Điều mà ai cũng trăn trở là những người ở lại sẽ sống ra sao khi người đàn ông trụ cột duy nhất của gia đình đã ra đi mãi mãi.
Thắp nén nhang cho người chồng xấu số, chị Dương Ngọc Như (31 tuổi) kéo 2 đứa trẻ vào lòng, vừa kể vừa khóc nức nở: "Tôi chưa nghĩ ra sẽ làm gì để nuôi con trong những ngày sắp tới. Nhà có 5 công đất (0,5ha) nuôi tôm tự nhiên nhưng mấy năm trời không thu hoạch được gì. Vì vậy mà 2 tuần trước, anh Đẹp theo chú Cường đi Đồng Nai làm công trình để kiếm tiền gửi về nuôi con. Tuần đầu tiên anh làm dư được 1,5 triệu, gửi hết về nhà. Còn tuần này chưa kịp lãnh tiền thì đã gặp T*i n*n. Sáng nay, khi đưa thi thể anh về tới nhà, chỉ còn nhìn được khuôn mặt. Con gái lớn 6 tuổi có lẽ nhận thức được cha nó Ch?t nên khóc ngất. Cháu kể hôm qua nằm mơ thấy cha nói: "Con ơi, con đừng có buồn!". Còn đứa con trai 4 tuổi chưa hiểu gì nên hỏi: "Cha nằm bấm điện thoại chơi hả mẹ. Mấy bác nói cha Ch?t hả mẹ. Sao bác sĩ không làm cho cha sống lại?". Nghe lời nói trẻ thơ mà lòng tôi đau như cắt, những người có mặt không ai cầm được nước mắt".
Nhà nạn nhân Đẹp thuộc diện khó khăn nhất xóm nhưng không được công nhận hộ nghèo vì có ngôi nhà nền gạch, cột xây, vách thiết; có xe cúp 50 cũ, có tivi đời cũ và có giếng nước khoan. Những "tài sản" đó là tiêu chí để thoát nghèo nhưng thật ra không có món nào có giá trị. "Ngôi nhà này cất được khoảng 10 năm rồi, bằng tiền phúng điếu sau khi chồng tôi mất và vay thêm ngân hàng. Mấy mẹ con nương tựa mà sống bằng 5 công đất nuôi tôm nhưng càng nuôi càng thêm nợ nần. Tưởng thằng Đẹp đi làm được chuyến này cho vợ con nó bớt khổ mà có ngờ đâu tai họa ập xuống quá nhanh. Tôi già rồi cũng không sao, còn vợ con nó mai này phải dựa vào đâu mà sống. Tương lai mấy đứa nhỏ mờ mịt quá", bà Huỳnh Thị Tịnh (62 tuổi, mẹ nạn nhân Đẹp) khóc nghẹn.
Nhìn vào gia cảnh của nạn nhân, chúng tôi cũng không tìm được lối ra nào cho những người ở lại. Người mẹ thì không còn sức lao động; người vợ thì bị tật bẩm sinh, tay chân teo tóp, hàng ngày chị cố gắng bơi xuồng để đổ lú kiếm vài con tôm bán mua sữa cho con và đóng tiền học. Bé Nguyễn Ngọc Hân nay 6 tuổi, học lớp lá trường làng, mỗi tháng chỉ đóng 165.000 đồng đã thấy khó. Bé Nguyễn Dương Thiên cũng đã đến tuổi vào mẫu giáo nhưng chưa cho đi học vì không kham nổi học phí cho cả 2 cháu. "Dự định chuyến này anh Đẹp đi làm có tiền sẽ cho cháu Thiên đi học nhưng…", chị Như bỏ lửng câu nói, khóc rưng rức.
Người nhà nạn nhân Đẹp cho biết chiều hôm 14-5, khi biết tin anh Đẹp gặp nạn, nhà không có tiền để đưa thi thể anh về, phải chạy đi vay trong xóm được 28 triệu đồng trả hóa đơn tiền hàng gương, chi phí mai táng và vận chuyển. Không có tiền tổ chức tang sự, chị Như phải đi vay thêm 20 triệu đồng nữa. "Cho đến giờ phía công ty chồng tôi làm chưa liên hệ gì với gia đình. Biết vay số tiền như vậy bản thân tôi không cách nào trả nổi nhưng không còn đường nào khác", chị Như bộc bạch.
Cách nhà nạn nhân Đẹp khoảng hơn 1km, bà Nguyễn Thị Sương (52 tuổi, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Cường) cùng người thân tất bật lo tang sự cho người chồng xấu số. Nhắc lại vụ T*i n*n mà chính bà tận mắt chứng kiến và may mắn thoát nạn, bà Sương vẫn còn ám ảnh. "Bức tường đã xây lên rất cao, phải bắt tới 7 giàn giáo. Tôi đứng dưới kéo hồ cho thợ ở trên tô tường. Lúc đó, trời im phăng phắc như vầy chứ không có gió. Bỗng nghe tiếng răng rắc và thấy bức tường chuyển động nên tôi vội chạy ra ngoài và vấp ngã. Khi nhìn lại thì toàn bộ bức tường đã đổ sập. Cảnh tượng kinh hoàng lắm, tiếng động như trời giáng và bụi bay mù mịt. Tôi vội chạy lại cùng một số người bươi đống đổ nát để cứu người. Lúc đó tinh thần hoảng loạn nên một hồi tôi mới sực nhớ ra còn chồng tôi trong đó. Đến khi lực lượng cứu hộ tìm thấy chồng tôi thì ông ấy đã không còn thở", bà Sương bàng hoàng kể lại.
Có mặt tại tang lễ, ông Đàm Minh Dương, Trưởng Ban Nhân dân ấp 6, xã Trí Phải, cho biết gia cảnh của bà Sương vô cùng bi đát. Hai vợ chồng neo đơn đi làm thuê đắp đổi qua ngày vì không có đất sản xuất. "Hồi đó, gia đình bà Sương có sổ hộ nghèo. Đến năm 2017 thì được xếp vào cận nghèo vì xây dựng được nhà giá khoảng 70 triệu đồng. Kể từ khi vợ chồng bà đi làm thuê ở Đồng Nai thì đã công nhận thoát nghèo", ông Dương nói.
Nhà của nạn nhân Nguyễn Văn Cường ở giữa cánh đồng mênh mông nhưng vợ chồng ông không có đất sản xuất, phải làm thuê đắp đổi qua ngày
Ngôi nhà của vợ chồng nạn nhân Cường được xây dựng trên phần đất duy nhất của họ được 2 năm. Tài sản duy nhất trong nhà là chiếc tivi đã cũ. "Vợ chồng tôi chỉ có cái nền nhà này thôi. Đến mùa lúa thì đi cấy lúa mướn, đến mùa mía thì đi đánh lá mía, làm cỏ, làm phụ hồ… mà sống. Có đứa con gái duy nhất thì đã gả chồng. Gia cảnh bên chồng cũng không hơn. 2 tháng trước nghe trên Đồng Nai cần thợ phụ công trình nên 2 vợ chồng cùng đi làm. Ông ấy thì phụ xây, tôi thì phụ hồ. Tiền công cả 2 người cộng lại cũng gần 600.000 đồng mỗi ngày nên cũng ổn. Có ngờ đâu bi kịch xảy ra nhanh quá. Cả đời bươn chải, ông ấy mất đi chỉ còn được một khoảnh đất nhỏ xíu sau nhà làm chỗ chôn. Nếu hôm đó tôi cũng gặp nạn trong vụ sập tường thì không biết lấy chỗ đâu để chôn cả hai vợ chồng", bà Sương quệt nước mắt, kể.
Bài và ảnh: DUY NHÂN
Chủ đề liên quan:
10 người chết đồng nai gặp tai nạn huyện Thới Bình khóc nức nở nạn nhân tử vong người chết sập tường tỉnh cà mau trụ cột gia đình