Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Tiêu chuẩn ISO 15189:2012 trong xét nghiệm ở Thanh Hóa

Sau thời gian 03 năm triển khai thực hiện và hoàn thiện các tiêu chuẩn theo quy định, giữa tháng 10/2019, khoa Hóa sinh BVĐK tỉnh Thanh Hóa được Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) công nhận năng lực phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế về ISO 15189:2012.

Tại chương trình Công bố quyết định, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ths. Thẩm Chí Dũng, Trưởng phòng Chi trả - Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế; PGS.TS Nguyễn Thị Khánh Trâm, Giám đốc Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) cùng với các đại biểu từ các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đến dự.

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý chất lượng phòng xét nghiệm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc trong đó có việc hướng đến xây dựng các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế về ISO 15189. ISO 15189 là một bộ tiêu chuẩn trong đó quy định chi tiết các yếu tố góp phần tạo nên chất lượng và năng lực của một phòng xét nghiệm Y học. Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên các yêu cầu của ISO/IEC 17025 và ISO 9001, được biên soạn bởi các chuyên gia thuộc Tổ chức ISO (Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế). Hiện nay phiên bản mới nhất được áp dụng của tiêu chuẩn này là ISO 15189:2012 (ban hành năm 2012) và được Việt Nam chuyển thành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 15189:2014. Đây là tiêu chuẩn mới nhất để các phòng xét nghiệm áp dụng thực hiện cũng như để đánh giá chất lượng các phòng xét nghiệm.

Công bố Quyết định công nhận

ISO 15189:2012 bao gồm 2 nội dung yêu cầu chính là: yêu cầu về quản lý và yêu cầu về kỹ thuật. Trong đó, yêu cầu về quản lý là các yêu cầu nhằm đảm bảo phòng xét nghiệm được hình thành và hoạt động theo một hệ thống chung. Yêu cầu về chất lượng là các yêu cầu nhằm đảm bảo được chất lượng kết quả xét nghiệm.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có quy định bắt buộc các phòng xét nghiệm phải xây dựng và đạt tiêu chuẩn ISO 15189. Tuy nhiên, Bộ Y tế rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng xét nghiệm vì vậy đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BYT về việc hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định số 5530/QĐ-BYT về việc hướng dẫn xây dựng quy trình thực hành chuẩn trong quản lý chất lượng xét nghiệm. Cả 2 văn bản này đều nhằm mục đích chuẩn hóa các phòng xét nghiệm, trong đó bao gồm nhiều nội dung theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012. Vì vậy việc xây dựng ISO 15189 tại các phòng xét nghiệm là tất yếu để phòng xét nghiệm đảm bảo được chất lượng xét nghiệm của mình cũng như tạo được sự tin tưởng của người bệnh, là cơ sở cho việc thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế.

Kỹ thuật hóa sinh tuyến tỉnh ở BVĐK Thanh Hóa ngày càng nâng cao

Phát biểu tại buổi lễ, BS CKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ việc khoa Hóa sinh của Bệnh viện được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 15189:2012 là niềm khích lệ lớn lao không chỉ đối với tập thể khoa Hóa sinh mà còn đối với toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; là cơ sở quan trọng để Bệnh viện khẳng định thương hiệu, uy tín trong hệ thống các phòng xét nghiệm y tế trên toàn quốc. Đây cũng chính là nền tảng và tiền đề để cán bộ, viên chức, người lao động các khoa, phòng, trung tâm trong Bệnh viện tiếp tục xây dựng kế hoạch để cải tiến chất lượng, tạo dựng niềm tin và hướng tới sự hài lòng người bệnh trong những năm tiếp theo. Đồng thời BS CKII Lê Văn Sỹ cũng đề nghị toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện tiếp tục duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012 đã được công nhận, phát huy tối đa các lợi ích do tiêu chuẩn mang lại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện, tiếp tục xây dựng và phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa ngày càng vươn lên tầm cao mới; xứng đáng với kỳ vọng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Được biết, nằm trong chương trình nâng cao năng lực quản lý chất lượng Bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đồng bộ và mạnh mẽ nhiều giải pháp để tiến tới được công nhận ISO15189:2012 ở tất cả các phòng xét nghiệm và được công nhận ISO 9001 đối với tất cả các khoa, phòng, trung tâm còn lại. Đây là bước chuyển biến mạnh mẽ góp phần khẳng định vị trí và thương hiệu của một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trong ngành y tế Việt Nam.

HÀ ĐẠO-DUNG MAI

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/tieu-chuan-iso-151892012-trong-xet-nghiem-o-thanh-hoa-n165037.html)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY