Nhận định trên vừa được đưa ra tại “Hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TPHCM năm 2011 và kế hoạch triển khai hoạt động năm 2012”.
BS-CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi tại TPHCM là 5,9%; thể thấp còi là 7,7% (tỉ lệ suy dinh dưỡng trung bình của cả nước thể nhẹ cân là 16,5% và thể thấp còi là 27,5%).
Đáng nói, dù tỉ lệ suy dinh dưỡng tại TPHCM đã liên tục giảm, thấp nhất trong cả nước nhưng tình trạng thừa cân,
béo phì ở trẻ em và
người trưởng thành đang có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ thừa cân,
béo phì ở trẻ em đã ở mức báo động, đe dọa kéo theo sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường và các bệnh tim mạch…Đặc biệt, người dân có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, muối, đường và các loại thực phẩm tinh chế, ít chất xơ. Chính điều này đã làm gia tăng các rối loạn chuyển hóa và bệnh mãn tính.
Bên cạnh đó, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh vẫn còn rất thấp so với mục tiêu quốc gia...
Vì mục tiêu phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, mỗi cá nhân, mỗi gia đình nên chọn 1 chế độ dinh dưỡng an toàn và hợp lý để nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính bản thân và gia đình trong tương lai. Đây cũng là nền tảng tránh được gánh nặng cho gia đình, xã hội từ những bệnh lý mạn tính không lây gây ra.
Mangyte.vn (Theo Song Nguyễn - Phụ nữ TPHCM)