Văn hóa truyền thống Á Đông với hàng nghìn năm lịch sử đã để lại cho chúng ta một kho báu trí tuệ vô giá, trong đó có ca dao, tục ngữ. Tục ngữ bắt nguồn từ dân gian, chứa đựng giá trị đạo lý nhân sinh vô cùng sâu sắc, truyền lại cho chúng ta những bài học, kinh nghiệm, để con người sống với nhau chân thành, lương thiện, nhẫn nại hơn.
Trong kho tàng tục ngữ vô cùng phong phú ấy, chúng ta thường nghe câu: “Trai mùng một, gái hôm rằm”. Câu nói này có ý nghĩa gì?
“Trai mùng một, gái hôm rằm” có ý nói rằng nam giới sinh vào ngày mùng một và nữ giới sinh vào ngày rằm sẽ có một cuộc sống rất gian nan, vất vả. Càng khó khăn hơn là những chàng trai sinh vào đúng ngày mùng một Tết và những cô gái sinh vào rằm tháng Giêng hoặc rằm tháng Bảy.
Lý do là vì nam chủ ‘dương’, nữ chủ ‘âm’, mà mùng một là dương (Tiên), rằm là âm (Hậu), thượng là dương (thượng huyền), hạ là âm (hạ huyền).
Ngày mùng một Tết là ngày lễ truyền thống trọng đại nhất trong năm. Trong truyền thuyết, nguồn gốc của giao thừa là để xua đuổi hai quái thú là “Tịch” và “Niên”, vì thế nhà nào cũng dán câu đối và đốt pháo để xua đuổi. Bởi vậy, tương truyền nếu con trai sinh vào ngày này, đứa trẻ sẽ bị quái thú dọa nạt, khiến gia đình buồn phiền và không thể sống một năm vui vẻ. Một số nơi còn có đề xuất là, nếu con trai sinh vào ngày mùng 1 Tết thì bố mẹ không được tùy tiện đánh mắng hoặc quản thúc, nếu không bố mẹ cũng sẽ gặp rủi ro.
Đây chỉ là quan niệm của thời xưa khi cuộc sống còn nhiều vất vả, cái ăn cái mặc luôn là mối lo toan thường nhật, lại thêm mùng một Tết thời tiết thường rất lạnh, trong khi điều kiện sống vẫn còn nhiều tạm bợ, sơ sài. Hoàn cảnh ngày hôm nay đã khác, những cậu ấm cô chiêu dù sinh vào ngày nào thì cũng được coi như ngọc ngà châu báu trong nhà, cha mẹ đều dồn hết tâm sức vào con.
Ngày rằm liên quan đến âm, vậy nên mới có quan niệm rằng rằm tháng Giêng cành cây sẽ tự đung đưa, rằm tháng Bảy là ngày xóa tội vong nhân…
Rằm tháng Giêng chính là tết Nguyên Tiêu, nếu sinh con gái vào ngày đó sẽ khiến cả nhà không có được một cái Tết trọn vẹn. Người ta cho rằng trong quá trình trưởng thành bé gái đó sẽ rất nghịch ngợm, khiến gia đình vất vả trong việc nuôi dạy bảo ban.
Rằm tháng Bảy đúng vào ngày xóa tội vong nhân, đây là ngày âm khí nhiều nhất trong năm, mà con gái lại thuộc về âm, vậy nên nếu sinh vào ngày này âm khí sẽ càng nặng. Theo quan niệm của người xưa, đây là điềm chẳng lành.
Trong dân gian còn có một quan niệm khác là, con gái sinh vào rằm tháng Giêng sẽ khắc với bố mẹ, vì thế gia đình thường cho nhận mẹ nuôi để hóa giải.
Câu nói “Trai mùng một, gái hôm rằm” còn được hiểu theo nghĩa không nên sinh con vào những ngày lễ lớn. Người xưa rất coi trọng những ngày lễ lớn trong năm, đồng thời điều kiện y tế thời ấy còn nhiều hạn chế, nên mới có những khái niệm này. Ngày nay, những người coi trọng ngày giờ thường xem trước ngày đẹp giờ đẹp để tiến hành sinh mổ, điều này thực sự không tốt cho đứa trẻ vì trái với tự nhiên, do đó cách làm này không được khuyến khích.
Nhưng dù là ngày xưa hay ngày nay, thì đối với những người làm cha làm mẹ, sinh con chỉ cần “mẹ tròn con vuông” đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Con cái sau này có nên người hay không là do công phu giáo dưỡng của cha mẹ, cũng do sự tu dưỡng của cha mẹ mà nên.