Báo cáo của UNICEF cho biết trong năm 2018, ít nhất cứ 1 trong 3 trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu có thể trạng còi cọc hoặc thừa cân. Không chỉ phản ánh sự phát triển chậm chạp mà đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tật, suy giảm sức đề kháng của hệ miễn dịch, ảnh hưởng tới việc học tập của trẻ. Theo báo cáo, trên hiện thế giới có khoảng 340 triệu trẻ em bị thiếu các loại vitamin, khoáng chất như sắt, iốt....
Phát biểu với báo giới tại Juba trong buổi công bố báo cáo về tình trạng trẻ em trên thế giới, Mohamed Ag Ayoya, đại diện UNICEF tại Nam Sudan, nói: "Tất cả trẻ em đều cần điều trị suy dinh dưỡng, đó là một thất bại, thất bại trong việc ngăn chặn bệnh tật". Theo quan chức UNICEF, tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em Nam Sudan đã tăng từ 13% trong năm 2018 lên 16% trong năm 2019, cao hơn cả mức báo động là 15%.
Ông Ayoya cho rằng thay đổi phương pháp, chuyển từ việc tập trung điều trị sang ưu tiên phòng ngừa là cần thiết để giúp giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng. Ông khẳng định: "Ngăn chặn nguy cơ suy dinh dưỡng là một phần thiết yếu trong việc hiểu rõ về sức khỏe của trẻ em. Trẻ nhỏ có thể phải gánh chịu những hậu quả suốt đời, thậm chí có thể thiệt mạng nếu tình trạng suy dinh dưỡng không được giải quyết kịp thời trong những thời điểm quan trọng".
Theo ông Ayoya, cần có một cách tiếp cận đa ngành, liên quan nhiều chính phủ nhằm nhằm giúp ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng đang đe dọa tương lai của Nam Sudan sau khi thoát khỏi cuộc xung đột kéo dài 5 năm. UNICEF kêu gọi Chính phủ sở tại đưa ra kế hoạch chiến lược tổng thể về dinh dưỡng với mục tiêu chung nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng đang ở trên mức báo động.
Chủ đề liên quan:
dinh dưỡng giải quyết Kêu gọi suy dinh dưỡng suy dinh dưỡng cấp tính tình trạng trẻ em trẻ em suy dinh dưỡng unicef