Tình yêu và giới tính hôm nay

Bố trở thành “bảo mẫu” thực thụ khi con nghỉ học tránh dịch bệnh

Nhiều phụ huynh phải tận dụng tối đa thời gian, thậm chí bỏ công việc để ở nhà trông con vì học sinh nghỉ học phòng dịch.

Trong đợt học sinh nghỉ học phòng dịch, nhiều đôi vợ chồng ở Đắk Lắk phải luân phiên thay nhau nghỉ việc để ở nhà trông con. Thậm chí, có người phải gửi con về nhà nội, nhà ngoại, có người còn phải tìm thuê người giúp việc để chăm sóc con cái.

Gia đình anh M. phải thuê người giữ con vì gia đình nội ngoại đều ở xa.

Anh Nguyễn Văn Hưng (ngụ phường Ea Tam, Buôn Ma Thuột) cho biết, anh làm nghề tự do còn vợ nấu ăn cho một khu du lịch. Cả hai con của anh Hưng đều đang ở tuổi học mầm non. Thời gian qua, do đợt nghỉ kéo dài nên anh Hưng đã phải nghỉ làm ở nhà trông 2 cháu nhỏ.

Hàng ngày, anh Hưng phải dậy sớm đi chợ, nấu cơm cho các cháu ăn uống đầy đủ. Trong thời gian này anh Hưng cũng tranh thủ làm vườn, nuôi gà, vịt để kiếm thêm thu nhập.

Anh Hưng chia sẻ: “Thật sự, những ngày qua gia đình tôi rất vất vả vì không đi làm được, thu nhập bị giảm hẳn. Tôi cũng giống như một bảo mẫu thực thụ khi phải làm đủ mọi việc như nấu ăn, đi chợ, giặt giũ... Thế nhưng, con cái là trên hết, dịch bệnh rất nguy hiểm, tôi phải tuân thủ các quy định để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho con cái cũng như mọi người”.

Còn gia đình anh Hồ Quang Thực (cùng ngụ phường Ea Tam) lại khác, cả hai vợ chồng đều làm cơ quan nhà nước (cách gia đình 20km) và có 2 cháu nhỏ đang học mẫu giáo.

Trong tuần đầu các con nghỉ học anh chị gửi con về nhà ông bà ngoại trong rẫy cà phê. Tuy nhiên, do kỳ nghỉ quá dài và cũng không thể để các cháu nhỏ trong rẫy mãi được nên anh chị đành đưa các con về nhà.

Thời gian gần đây, anh chị đưa con gửi nhờ hàng xóm mỗi nhà vài buổi rồi tranh thủ về sớm đón con. Dù hoàn cảnh vất vả nhưng anh Thực và vợ vẫn sẵn sàng bắt nhịp cuộc sống, chia sẻ với chính quyền địa phương cũng như toàn ngành giáo dục.

Anh Thực nói: “Chúng tôi rất thông cảm, chia sẻ với những người đứng đầu ngành Giáo dục cũng như chính quyền địa phương. Phương án cho học sinh nghỉ học là bất đắc dĩ nhưng rất đúng, dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng chấp nhận”.

Anh Trần Mạnh Hùng (chủ một doanh nghiệp xây dựng lớn ở TP.Buôn Ma Thuột) chia sẻ rằng, vợ anh làm công chức nhà nước, cả hai anh chị đều có quê ở ngoài miền Bắc. Trong thời gian qua, anh Hùng đã phải nhờ bà ngoại vào trông các cháu cho hai vợ chồng đi làm.

Anh Hùng kể: “Các con nghỉ học nên vợ chồng tôi vất vả hơn nhiều. Khi kỳ nghỉ kéo dài, vợ chồng phải xin phép và nhờ ông bà ngoại ở miền Bắc vào trông cháu. Thật sự, nếu không có ông bà giúp thì tôi cũng hết cách, đành cho vợ ở nhà".

Chia sẻ về tình cảnh con nghỉ học ở nhà, anh M. - lãnh đạo của một doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nói: “Gia đình tôi có 2 con nhỏ, việc các cháu nghỉ học khiến chúng tôi hết sức vất vả. Vợ chồng tôi phải thuê người giúp việc, chăm sóc con cái vì gia đình nội ngoại ở xa tận miền Trung. Sau giờ làm, cả 2 vợ chồng phải lao về nhà ngay để chăm con, không còn thời gian rảnh để đi uống nước, mua sắm như trước”.

Trong thời gian qua, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hầu hết các địa phương đều cho học sinh từ mầm non đến cấp THCS nghỉ học để phòng dịch.

Việc học sinh nghỉ học đã làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của nhiều gia đình. Tuy nhiên, với tinh thần “tất cả vì thế hệ tương lai”, "chống dịch như chống giặc", các phụ huynh rất ủng hộ quyết định này của ngành giáo dục.

Theo Sông Cài/Infonet

Mạng Y Tế
Nguồn: Kiến thức (https://kienthuc.net.vn/yeu-tam/bo-tro-thanh-bao-mau-thuc-thu-khi-con-nghi-hoc-tranh-dich-benh-1357913.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY