Sau khi phát hiện 2 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trong 2 ngày qua, Đà Nẵng đang huy động tối đa nhân lực đẩy mạnh công tác xét nghiệm, mở rộng đối tượng, quy mô để khoanh vùng, phát hiện, cách ly kịp thời các yếu tố nguy cơ.
Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã vào Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ địa phương 10.000 bộ test để xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Elisa.
Đây là phương pháp (kỹ thuật) xét nghiệm kháng thể mới chưa từng áp dụng ở Việt Nam, test thử do Việt Nam chủ động sản xuất.
Động thái này nhằm giúp Đà Nẵng trong việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây nhiễm, phát hiện sớm người mắc để có biện pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng. Trước mắt xét nghiệm kháng thể đối với khoảng 2.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Phương pháp này sau đó sẽ được áp dụng tại Bệnh viện C Đà Nẵng (hiện đang cách ly khoảng 1.000 người, trong đó có gần 1 nửa là bệnh nhân, số còn lại là người nhà, cán bộ, nhân viên y tế), các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và bệnh nhân 418.
Bên cạnh đó, CDC Đà Nẵng cũng đẩy mạnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao đối với 2 bệnh nhân này.
PGS.TS Trần Như Dương (bìa trái), Đội trưởng đội điều tra giám sát dịch do Bộ Y tế thành lập đêm qua
Cũng trong sáng 26/7, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã hỗ trợ Đà Nẵng tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế thành phố, nhân viên CDC Đà Nẵng những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết để tìm kiếm những người có nguy cơ lây nhiễm.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch do Bộ Y tế thành lập đêm qua, 25/7, cho hay mục đích của hoạt động truy vết trong phòng, chống dịch chính là tìm kiếm người tiếp xúc gần với bệnh nhân, càng sớm càng tốt để cách ly kịp thời, triệt để, ngăn chặn dịch lây lan.
Theo vị chuyên gia từng chỉ huy việc phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch ở ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Mê Linh - Hà Nội), Bình Thuận... này, việc truy vết dựa trên các nguyên tắc, đó là chạy đua với thời gian, càng sớm càng tốt; các sự kiện, địa điểm hay còn gọi là mốc dịch tễ và từng người tiếp xúc gần cần được truy vết trong khoảng thời gian từ thời điểm 3 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.
Được biết hiện CDC Đà Nẵng đã xác định có 294 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 416, kết quả xét nghiệm đến sáng 26/7 cho thấy, 100% mẫu bệnh phẩm đều âm tính với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, do bệnh nhân phải thở máy, không trực tiếp khai báo thông tin, kết hợp với việc đi lại, tham gia nhiều sự kiện nên công tác truy vết gặp nhiều khó khăn.
Với bệnh nhân 418, nhà chức trách đang xác định những trường hợp có tiếp xúc để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.