Nhiều thống kê tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy, TDH là một bệnh lý khá phổ biến và ngày càng có xu hướng tăng lên. Khoảng trên 20% dân số có ít nhất một triệu chứng của TDH.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 3,6-7% người có triệu chứng nặng và tìm đến bác sĩ (BS). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt gặp nhiều ở nữ trong độ tuổi từ 15-45. Không chỉ vậy, bệnh khó điều trị nếu phát hiện muộn.
BS.CKI Đặng Vũ Thảo Vy, Khoa Phẫu thuật hàm mặt - răng hàm mặt, BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết: “Lượng bệnh nhân bị TDH đến khám tại BV không chỉ gia tăng mà còn trẻ hóa về độ tuổi. Đặc biệt, vào mùa thi cử, khi áp lực học hành tăng cao, lượng bệnh nhân chủ yếu là đối tượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đa phần đối tượng này mới mắc bệnh ở mức độ nhẹ với những biểu hiện như mỏi cơ hàm khi ăn, nhai”.
Mức độ nặng của bệnh thường rơi vào lứa tuổi lớn hơn. Gần đây, một phụ nữ 29 tuổi đến khoa Phẫu thuật hàm mặt - răng hàm mặt, BV Đại học Y Dược TPHCM khám trong tình trạng đau nhức hai bên mang tai vùng khớp TDH, không thể há miệng lớn bình thường, nói chuyện khó khăn vì cử động hàm dưới hạn chế.
Trường hợp khác, cũng là phụ nữ, 40 tuổi, bị đau mỏi hàm nhiều, thậm chí đau mỏi lan xuống cả phần gáy và vai, miệng há nhỏ, khi cắn lại chỉ có vài răng hàm trong chạm nhau. Có trường hợp sau khi há lớn, ngáp hoặc há miệng lâu, bệnh nhân không thể tự ngậm miệng, phải dùng tay nắn, đẩy hàm vào thì miệng mớingậm được.
Có thể hình dung: khớp TDH gồm một đĩa khớp nằm ở giữa hai đầu xương: một đầu là lồi cầu của xương hàm dưới bên dưới và một đầu là xương phía bên trên. Xung quanh ổ khớp gồm có các hệ thống dây chằng và các cơ bám vào giúp kiểm soát vị trí và vận động của khớp. Do vậy, khi “phong độ làm việc” của một cơ quan thuộc TDH (cơ, dây chằng, đĩa khớp và xương) bất ổn đều gây nên những rối loạn cho cả TDH.
Ở mức độ nhẹ, TDH thể hiện bằng triệu chứng mỏi cơ khi ăn nhai; há-ngậm miệng có tiếng kêu lục cục, cảm thấy nặng mặt, căng hai bên mang tai. Nhiều trường hợp, những triệu chứng này cũng có thể mất đi tạm thời nên người bệnh rất dễ bỏ qua.
Đến khi nặng, bệnh gây đau các cơ hàm, cụ thể là vùng góc hàm, dưới hàm và thái dương; lan xuống vùng cổ, vùng vai gáy; đau vùng trước tai, trong tai, thậm chí gây ù tai, nghe kém; đau đầu hoặc làm giới hạn vận động của hàm dưới khiến việc há miệng bị hạn chế, há miệng lệch sang một bên, không thể ăn-nhai và nói chuyện bình thường. Bệnh diễn tiến lâu dài có thể làm nhuyễn sụn khớp, thoái hóa, tiêu các đầu xương của diện khớp, xơ cứng khớp, dính khớp.
Theo BS Đặng Vũ Thảo Vy, có rất nhiều nguyên nhân gây khớp TDH. Trước hết là những nguyên nhân tại chỗ như: bất thường xương hàm trên và xương hàm dưới mang tính bẩm sinh cũng như bất thường về cấu trúc của vùng khớp TDH; chấn thương, tổn thương tại khớp. Không chỉ bẩm sinh, bệnh cũng xuất hiện ở một số rất hiếm người đã trưởng thành, nhưng lồi cầu bị teo nhỏ hoặc to lên hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân.
Tuy nhiên, hầu hết trường hợp khớp TDH bắt nguồn từ những thói quen trong cuộc sống thường ngày; do sự chủ quan của người bệnh và từ áp lực của cuộc sống. Cụ thể như thói quen ăn nhai chỉ một bên nhiều năm, siết chặt răng, nghiến răng (thường gặp khi cần dùng sức để làm việc, chơi thể thao, khi căng thẳng, tức giận hoặc vô thức trong lúc ngủ).
Khi bị mất răng hàm hai bên, nhiều người không quan tâm hay không có điều kiện để trồng lại răng, việc nhai sẽ tập trung ở những răng phía trước khiến chúng phải chịu lực nhiều hơn, lâu dần làm khớp cắn bị lệch, gây cản trở khi hàm dưới vận động, căng mỏi cơ hàm và dẫn đến khớp TDH. Ngoài ra, khi mắc phải những bệnh lý toàn thân của khớp như viêm đa khớp cũng dễ bị khớp TDH.
Mặt khác, stress, lo lắng và những tâm lý khác có vai trò như những chất xúc tác dẫn đến khớp TDH. Những tác nhân này làm giảm ngưỡng đề kháng của hệ thống nhai, tăng co thắt cơ và những sai lệch chức năng.
Vì vậy, không ít người dẫu cấu trúc hàm và răng tốt, song do căng thẳng trước áp lực của công việc, học hành thi cử nên rất thường bị đau mỏi hàm. Học sinh trong thời gian thi cử rất thường bị khớp TDH.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khớp TDH có thể bắt nguồn từ vi lượng dinh dưỡng (thiếu magnesium...) hay do nội tiết (ảnh hưởng của oestrogen...). Trẻ em ở thời điểm dậy thì hoặc phụ nữ mang thai dễ mắc phải bệnh lý này do những biến đổi mạnh mẽ của nội tiết tố. Ngoài ra, một số trường hợp loạn năng TDH vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
BS Đặng Vũ Thảo Vy cảnh báo: “Nếu để bị nặng, việc điều trị khớp TDH sẽ tốn khá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Do vậy, phòng ngừa bệnh là điều cực kỳ quan trọng. Cần cân bằng cuộc sống, nghỉ ngơi-ăn uống điều độ, tránh căng thẳng. Khi ăn nên tránh các thức ăn quá dai cứng. Khi có những biểu hiện như: thường xuyên nghiến răng, đau, mỏi hàm, há miệng kêu lục cục hoặc không há miệng được... nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa”.
Thông thường, bệnh nhân bị loạn nặng TDH sẽ được điều trị kết hợp gồm điều trị nội khoa (BS cho dùng Thu*c giảm đau, kháng viêm, dãn cơ, glucosamine, magnesium… tùy theo tình trạng đau, viêm và co thắt cơ), kết hợp thêm những biện pháp vật lý trị liệu (như massage, chườm nước ấm hai bên khớp khoảng 4-5 lần/ngày, mỗi lần 15 phút…). BS sẽ hướng dẫn một số bài tập vận động hàm, cũng như nhắc nhở bệnh nhân không nhai kẹo cao su, không há miệng quá lâu hay quá lớn; nếu ngáp cần dùng tay đỡ cằm…
Sau khi điều trị nội khoa mà vẫn còn đau mỏi hàm, người bệnh cần có “máng nhai” đeo vào ban đêm, đồng thời tái khám theo hẹn để BS theo dõi và mài điều chỉnh máng. Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây TDH là do mất răng lâu ngày hay khớp cắn sai lệch thì sau khi điều trị bớt đau, bệnh nhân cần phải trồng lại răng, chỉnh hình răng, mài điều chỉnh khớp cắn...
Việc điều trị rối loạn TDH không chắc chắn sẽ khỏi hoàn toàn vì phụ thuộc nhiều vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Sai lầm mà bệnh nhân thường gặp khiến bệnh không dứt hẳn, dễ tái phát là không tái khám để điều chỉnh máng nhai; tự ý mua Thu*c uống, không thực hiện việc phục hình răng, chỉnh hình răng…
Theo An Hà - Phụ nữ TPHCM
Chủ đề liên quan:
điều trị mangyte.vn nguyên nhân rối loạn rối loạn thái dương rối loạn thái dương hàm thái dương