Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Thực hiện nghiêm sàng lọc, cách ly và xét nghiệm người nghi nhiễm COVID-19

Qua kiểm tra tại một số bệnh viện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, có những bệnh viện chưa triển khai tích cực hoặc có triển khai nhưng chưa đúng theo các nguyên tắc sàng lọc, phân loại, cách ly người bệnh COVID-19 như các hướng dẫn

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa có văn bản số 1385/BCĐQG gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ ngành và các bệnh viện trực thuộc trường đại học về việc rút kinh nghiệm tổ chức phân luồng, cách ly người nghi viêm đường hô hấp tại cơ sở y tế và gửi hình ảnh đã thực hiện

Để đối phó tốt hơn dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị các bệnh viện khẩn trương thực hiện nghiêm các việc nghiên cứu, thiết kế lại việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm COVID-19 phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Báo cáo hoạt động đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh bằng tệp tin trình chiếu (định dạng .ppt) theo 2 giai đoạn: Hình ảnh các biển báo, luồng đi, phòng khám… đã triển khai trước thời điểm nhận được công văn này (gửi trước 24:00 ngày 21/3/2020)

Hình ảnh các biển báo, luồng đi, phòng khám… thực hiện theo hướng dẫn sau khi triển khai công văn (gửi trước 24:00 ngày 24/3/2020). Nếu bệnh viện đã làm và tuân thủ theo đúng nguyên tắc thì không cần gửi tiếp giai đoạn 2.

Báo cáo được trình bày bằng hình thức trình chiếu powerpoint (ppt) không quá 12 slide. Mỗi slide có 1 ảnh và 1 chú thích minh họa ngắn cho ảnh. Bệnh viện nộp báo cáo bằng hình thức tải lên phần mềm trực tuyến theo hướng dẫn tại địa chỉ http://chatluongbenhvien.vn

Bệnh viện cần thiết lập quy trình đón tiếp, sàng lọc, khám bệnh, phân loại, cách ly, chuyển viện riêng cho người có triệu chứng viêm đường hô hấp, người có yếu tố dịch tễ bắt đầu ngay từ cổng bệnh viện.

Bước 1, tại khu vực cổng bệnh viện: Bố trí 1 cổng duy nhất dành cho đón tiếp, phục vụ người có triệu chứng viêm đường hô hấp (ví dụ bố trí cổng số 2, số 3). Tại cổng dành cho người có triệu chứng viêm đường hô hấp, bố trí biển ghi rõ: “Cổng đón tiếp dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người và có tiếp xúc người nghi nhiễm COVID-19”.

- Bên cạnh cổng, bố trí thêm biển bằng đèn màu (ví dụ biển đèn led, biển hộp có đèn chiếu sáng bên trong) để người đi khám bệnh nhìn rõ vào ban đêm, hoặc cần có đèn chiếu sáng vào các biển thông thường.

- Bên ngoài đường cần đặt các biển chỉ dẫn tương tự tại các vị trí dễ nhìn, ví dụ: “Hướng đi dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người”, hoặc “Cổng dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người cách 30 mét bên phải, người đi về từ vùng dịch hoặc có yếu tố liên quan đến người nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng cần liên hệ đường dây nóng….”.

- Bố trí nơi gửi xe tại phía ngoài cổng hoặc ngay khu vực cổng. Lưu ý tập huấn đầy đủ cho nhân viên bảo vệ, trông xe về hướng dẫn, đón tiếp và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tại tất cả các cổng khác bố trí thêm biển bằng đèn màu có ghi rõ: “Người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người đi cổng số 2, số 3… không vào cổng này, người đi về từ vùng dịch hoặc có yếu tố liên quan đến người nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng cần liên hệ đường dây nóng….”.

Bước 2, luồng đi tới Bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng: Bố trí luồng đi riêng từ cổng đến Bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng. Luồng đi riêng được chăng dây bằng vải băng đỏ/vàng (có thể có dây phản quang), chiều rộng khoảng 0,8 - 1,2m. Dây chăng 2 bên (hoặc chăng 1 bên nếu luồng đi bám theo tường/rào). Có biển hướng dẫn yêu cầu người có triệu chứng chỉ đi trong luồng đã được chăng dây.

Bệnh viện bố trí ít nhất 1 xe lăn có đánh dấu khác để phân biệt với các xe khác. Khu vực để xe lăn ghi rõ: khu vực xe lăn phục vụ người có triệu chứng viêm đường hô hấp. Xe lăn không phục vụ đối tượng khác và được khử trùng sau mỗi lần sử dụng. Bộ Y tế lưu ý luồng đi bố trí không đi qua các khoa/phòng khác.

Bố trí bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng người bệnh tại địa điểm riêng biệt, ở vị trí thông thoáng, biệt lập với các khoa/phòng khác. (ví dụ dựng ki-ốt nhôm kính tại vị trí biệt lập như góc sân, áp lưng vào khối nhà).

Trường hợp bệnh viện không có sân cần bố trí bàn sàng lọc phân luồng ngay sát cổng bệnh viện hoặc tiền sảnh. Lưu ý, bệnh viện nhắc nhở người bệnh đeo khẩu trang hoặc có khẩu trang cung cấp cho người bệnh nếu người bệnh không có. Tại các bàn khám sàng lọc có nước sát khuẩn tay nhanh cho người đến khám.

Bàn đăng ký và sàng lọc phân luồng cần xác định rõ yếu tố dịch tễ: Có sống hoặc đã đến nơi có dịch lưu hành; Có tiếp xúc gần với người bệnh được xác định hoặc nghi nhiễm; Có tiếp xúc với người đi từ nước ngoài về hoặc người có tiếp xúc gần với người đi nước ngoài, người có liên quan với người bệnh COVID-19;

Có sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đến chỗ đông người, chỗ có nguy cơ lây nhiễm trong vòng 2 tuần qua nhưng không đeo khẩu trang hoặc không sát khuẩn tay.

Bộ Y tế lưu ý có thể hỏi thêm các lý do của người đến khám hoặc triệu chứng như ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người.

Kết quả sàng lọc phân luồng cần được phân ra 2 nhóm như sau: Người không có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19; Người có yếu tố dịch tễ.

Bước 3, phân luồng sau sàng lọc: Sau khi người đến khám đã được sàng lọc, nếu xác định chắc chắn không có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 thì hướng dẫn chuyển người đến khám sang khu khám thông thường. Lưu ý tại khu khám thông thường nếu lại phát hiện yếu tố nguy cơ cần chuyển ngược lại khu khám riêng của bệnh COVID-19.

Người đến khám nếu phát hiện có yếu tố dịch tễ được hướng dẫn chuyển tiếp sang buồng khám bệnh hô hấp.

Lưu ý: Lối đi từ bàn đăng ký và sàng lọc phân luồng tới buồng khám hô hấp hạn chế tối đa đi dọc hành lang hoặc ngang qua các khoa/phòng khác. Cần bố trí phòng này gần nhất nếu có thể với bàn đăng ký và sàng lọc phân luồng.

Bước 4, buồng khám bệnh hô hấp: Bệnh viện bố trí buồng khám bệnh hô hấp bảo đảm cách ly, riêng biệt với các phòng khác. Trong phòng chỉ có một bàn khám trong buồng khám, không được khám 2 người cùng một thời điểm trong buồng khám. Bàn khám cần được bố trí đầy đủ các dụng cụ khám và các vật tư, thiết bị phục công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bước 5, chuyển bệnh viện hoặc vào khu cách ly điều trị COVID-19

Sau khi khám bệnh hô hấp, nếu xác định người bệnh nghi nhiễm COVID-19, bệnh viện chuyển người bệnh sang 1 trong 2 vị trí sau:

Phòng cách ly tạm thời tại bệnh viện nếu bệnh viện không được giao điều trị COVID-19. Người bệnh được hướng dẫn vào phòng cách ly tạm thời. Bệnh viện liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng/CDC và bệnh viện (gần nhất) được phân công/giao nhiệm vụ điều trị COVID-19 để chuyển tuyến đúng, bảo đảm không lây nhiễm trong quá trình chuyển viện.

Phòng cách ly tạm thời được bố trí gần với buồng khám hô hấp, hạn chế tối đa người bệnh di chuyển nhiều.

Bệnh viện không được tự chuyển viện, cần liên hệ ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và bệnh viện tuyến trên để được hướng dẫn chuyển viện đúng, bảo đảm không lây chéo cho các đối tượng khác.

Khu cách ly điều trị COVID-19: Bệnh viện được cơ quan quản lý giao nhiệm vụ điều trị COVID-19 bố trí khu cách ly để tiếp nhận người bệnh. Khu cách ly thực hiện theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế trên nguyên tắc chia làm 3 loại đối tượng người bệnh để bố trí vào các phòng khác nhau: Cách ly người nghi nhiễm (có triệu chứng lâm sàng viêm hô hấp, lấy mẫu xét nghiệm, chưa có kết quả xét nghiệm, đang theo dõi diễn biến bệnh); Cách ly người bị bệnh thể nhẹ; Cách ly người bị bệnh thể nặng (có bệnh nền kèm theo, triệu chứng lâm sàng viêm hô hấp nặng, cần máy thở…).

Lấy mẫu xét nghiệm (có thể thực hiện tại bệnh viện hoặc chuyển sang nơi khác): Nếu có chỉ định, người bệnh được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu cách ly hoặc phòng cách ly tạm thời. Tùy điều kiện thực tế bệnh viện có thể lấy mẫu tại phòng khám hô hấp. Bệnh viện liên hệ với CDC/YTDP để lấy mẫu hoặc tự thực hiện nếu bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm SARS-CoV-2.

Thực hiện theo hướng dẫn tương tự như bệnh viện có 2 cổng, tuy nhiên cần bố trí khác các điểm sau: Có biển chỉ dẫn từ cổng bệnh viện tới thẳng bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng.

Bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng cần bố trí ngay sát cổng bệnh viện, tại sân hoặc sảnh chính theo nguyên tắc càng gần cổng càng tốt. Tuyệt đối không bố trí bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng ở bên trong khối nhà chính và gần các khoa, phòng để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Phòng khám hô hấp được bố trí ngay sát bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng (trong phạm vi 10m tính từ cổng). Nếu bệnh viện hạn chế về mặt bằng có thể bố trí 1 buồng có chức năng vừa đăng ký vừa khám sàng lọc hô hấp.

Tùy theo quy mô và loại hình, bệnh viện có thể tăng thêm hoặc giảm đi các bước nhưng cần bảo đảm tuân thủ 2 nguyên tắc chung.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5e7334aef8ec6e627b7603c3)

Tin cùng nội dung

  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
  • Bộ ba sàng lọc (Triple test) là xét nghiệm máu xác định nồng độ alpha-fetoprotein, human chorionic gonadotropin (hCG) và estriol trong máu mẹ. Kết quả xét nghiệm giúp cho bác sĩ tìm ra những trường hợp em bé có nguy cơ cao hơn bị những dị tật bẩm sinh như hội chứng Down và dị tật ống thần kinh.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY