Chị Thanh Hương quy định các con được vào mạng xem phim, chơi games vào tối thứ 7 hàng tuần, mỗi lần một tiếng.
Việc các bé sử dụng thiết bị công nghệ để vào các trang mạng hiện nay khá phổ biến. Từ một em bé ở độ tuổi mẫu giáo cho đến học sinh ở các bậc học (tiểu học, trung học cơ sở...) đều có thể dễ dàng lướt web tìm trò chơi, nghe nhạc, xem phim hoạt hình, đọc tin tức... Tuy nhiên, do tuổi còn nhỏ nên các con chưa biết vào những trang mạng phù hợp với lứa tuổi của mình, những trang mạng phục vụ học tập... khiến vừa tốn thời gian vừa gây hại cho sức khỏe và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác. Những kinh nghiệm sau của chị Thanh Hương (Long Biên, Hà Nội), một bà mẹ có 2 con học lớp 3 và lớp 6, có thể giúp các bố mẹ
hướng dẫn con sử dụng các trang mạng để hỗ trợ học tập, vui chơi bổ ích.
1. Cùng con trao đổi, chia sẻ về lợi ích, tác hại của các trang mạng
Việc bố mẹ trao đổi và chia sẻ với con thông tin về các trang mạng là cần thiết, giúp con hiểu được mình lợi ích khị truy cập từng loại trang mạng. Bố mẹ nên phân loại, liệt kê các trang mạng nào để đọc tin tức, giải trí, trang mạng nào phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập. Việc phân loại như vậy giúp con có cái nhìn tổng thể trước khi truy cập vào mạng, giống như được xem bản mục lục đầu sách trong thư viện trước khi mượn sách. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần cảnh báo con biết về những trang mạng có nội dung, tranh ảnh không phù hợp với lứa tuổi của con.
2. Thỏa thuận với con về thời gian sử dụng, kiểm soát các trang mạng được phép truy cập
"Khi bé Na (lớp 6) đi học về và xin phép mẹ cho sử dụng laptop để tìm kiếm tài liệu cho bài học giáo dục công dân, mình liền gọi cả bé Rôm (lớp 3) vào cùng tham gia luôn, vừa để tạo không khí học tập vừa nhân tiện
hướng dẫn hai bé cách chọn lọc thông tin", chị Hương chia sẻ cách xử lý khi con muốn vào mạng để tìm thông tin cho việc học tập.
Ngoài ra, cũng theo chị Hương, ngay từ đầu, chị đã lập một thời gian biểu cho việc vào mạng của các con. Ví dụ, các con có thể vào mạng để xem phim, chơi games vào tối thứ 7 hàng tuần, mỗi lần một tiếng. Còn nếu dùng cho việc học tập, các con phải xin phép và được sự chấp thuận của bố mẹ.
3. Giới thiệu các trang mạng mới liên quan đến học tập, giải trí lành mạnh cho con và cùng con tìm hiểu
Do công việc có nhiều cơ hội được tiếp xúc với máy tính và mạng internet, chị Hương thường xuyên tham khảo đồng nghiệp và tìm kiếm các trang mạng có nội dung kiến thức hay, chương trình học tiếng Anh trực tuyến tốt hay các trang có các trò chơi mang tính giáo dục. Sau đó, chị Hương có thể tải về máy hoặc trực tiếp cùng các con truy cập và sử dụng online. Với tinh thần ham học hỏi những cái mới, chị Hương xác định việc tham gia cùng con cũng là một cách giáo dục tốt để các con thêm hứng thú với học tập
4. Khuyến khích con tham gia vào các cuộc thi trên mạng
Tham gia các cuộc thi qua mạng như giải toán, tiếng Anh… cũng là một cách tạo điều kiện cho con tiếp cận với công nghệ. Chị Hương không chú trọng vào điểm số và kết quả thi của các con mà thông qua đó, chị muốn tạo cho con môi trường học tập hiện đại, phong phú, đầy màu sắc và mới mẻ.
Lệ Thúy