Con gái tôi 3,5 tuổi, nặng 15 kg. Từ khi hơn 4 tháng, cháu đã có hiện tượng táo bón, có vài lần hậu môn rớm máu và phải thụt nhiều lần.
Khi cháu 3 tuổi, tôi cho con đi khám, bác sĩ có cho cháu uống Thu*c nhuận tràng trong 20 ngày nhưng dừng Thu*c là cháu lại táo như cũ. Bác sĩ có cho cháu uống thêm men vi sinh trong 10 ngày nhưng cũng không cải thiện mấy. Hiện giờ, ngày cháu có 2 bữa ở trường, ăn sáng và ăn tối ở nhà.
Tôi đã rất cố gắng tăng cường cho cháu ăn sữa chua, rau, củ và trái cây, cho cháu uống khoảng 1/2 lít (phần nhiều là nước trái cây đóng hộp) trong thời gian ở nhà, tối trước khi ngủ là 120ml sữa tươi không đường nhưng cháu vẫn
táo bón.
Cháu rất sợ đi ngoài. Tôi vẫn phải rèn cháu đi ngoài 2 ngày một lần, mỗi lần đi kích thước phân rất to và phần đầu phân lổn nhổn rất cứng vì vậy cháu rặn rất vất vả. Không biết con gái tôi có hiện tượng của phình đại tràng hay bệnh nào khác liên quan đến đại tràng không, mong bác sĩ cho lời khuyên. (Như Bình)
Chào bạn,
Cân nặng của bé hiện tại bình thường. Bé đã bị
táo bón trong thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển. Tuy bạn đã cố gắng làm đủ cách nhưng vẫn không cải thiện, xin lưu ý bạn một việc cụ thể sau:
Khẩu phần ăn không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm (như thịt hoặc cá, trứng, tôm, cua, chỉ khoảng 150-200g/ngày). Tăng cường các loại rau xanh như mồng tơi, rau đay, rau lang, rau cải, rau muống, súp lơ xanh, rau ngót).
Hoa quả bạn nên cho bé ăn nguyên quả chứ không nên chỉ uống nước. Có thể dùng các loại quả như chuối tiêu, cam, quít, bưởi (ăn cả tép), đu đủ chín, thanh long, dưa hấu, xoài... Tăng cường uống nước lọc, nước canh nhưng không nên uống nước đóng hộp.
Đối với sữa, bạn chọn loại sữa dễ tiêu hóa, thường nhà sản xuất ghi rõ trên nhãn. Kết hợp mỗi ngày cho bé ăn 1-2 hũ sữa chua sau bữa ăn cơm. Không nên sử dụng sữa cao năng lượng vì làm bé càng
táo bón hơn. Thường xuyên xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ ngày 2-3 lần vào lúc đói, mỗi lần khoảng 5 phút.
Tập cho bé đi ngoài vào giờ nhất định, có thể tập cho bé đi ngoài sau bữa ăn khoảng 30 phút đến một tiếng vì lúc này nhu động ruột thường tăng làm bé dễ đi ngoài hơn. Ngày nào bé cũng đi ngoài thì phân sẽ mềm, nếu bé không đi được thì phân càng khô cứng làm bé càng bị đau và sợ hãi khi đi ngoài.
Nếu bổ sung men vi sinh 10 ngày chưa có kết quả, có thể cho bé sử dụng thêm, tăng cường thêm cả chất xơ hòa tan nữa. Bạn không nên lạm dụng việc thụt cho bé vì dễ làm tổn thương cơ thắt hậu môn làm bé dễ bị bệnh ị đùn (đi ngoài không tự chủ).
Sau khi áp dụng tất cả các cách trên, nếu thấy tình trạng của bé vẫn không cải thiện, bạn cần cho con đi khám chuyên khoa tiêu hóa để các bác sĩ xác định rõ nguyên nhân
táo bón, từ đó có quyết định cách giúp cháu khắc phục.
Chúc bạn thành công.
Theo ThS.BS - Doãn Thị Tường Vi - VnExpress
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội