Y học cổ truyền hôm nay

Khoa Y học cổ truyền vận dụng chẩn trị theo các phương pháp Đông Y kết hợp với Y học hiện đại, và các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, điện châm, nhĩ châm, xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, khí công dưỡng sinh để điều trị có hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp, rối loạn dẫn truyền thần kinh, di chứng tai biến mạch máu não, đau dây thần kinh... Chuyên khoa này còn triển khai mô hình nghiên cứu dược lý, thừa kế các kỹ thuật chế biến thuốc cổ truyền, nghiên cứu bào chế thuốc theo khoa học,nghiên cứu tế bào, nuôi cấy, thử nghiệm tế bào gốc. Các bệnh lý phổ biến thường được tìm đến khoa Y học cổ truyền như: viêm đa khớp dạng thấp, viêm phế quản mạn tính, liệt cơ mặt, trĩ, Parkinson, rối loạn kinh nguyệt,...

Bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền

Đái tháo đường Do ăn uống thất điều, quá no hay quá đói, ăn nhiều chất béo, ngọt, tinh thần không ổn định, tình chí thất điều làm ảnh hưởng đến công năng của các tạng phủ. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Các nhân tố gây bệnh thường phối hợp với nhau gây ra những hội chứng bệnh trong bệnh tiêu khát...

Bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Bệnh đã được các Y gia cổ mô tả từ rất sớm.

Từ thế kỷ IV – V trước công nguyên trong “Hoàng đế nội kinh – Tố vấn” đã nhắc đến chứng “tiêu” hay “tiêu khát”. Trong sách “Hoàng đế nội kinh – Linh khu, Ngũ biến thiên” có viết: “Ngũ tạng giai nhu nhược giả, thiện bệnh tiêu đan” có nghĩa là: Ngũ tạng nhu nhược dễ mắc bệnh tiêu. Trong “Ngoại trị bị yếu, Tiêu khát môn” viết: “Tiêu khát giả, nguyên kỳ phát động, thử tắc thận suy sở trí, mỗi phát tức tiểu tiện chí điềm” nghĩa là: Bệnh tiêu khát ban đầu do thận suy nên mỗi khi tiểu tiện nước tiểu có vị ngọt. Theo Đại Y thiền sư Tuệ Tĩnh: Tiêu khát là chứng trên thì muốn uống nước, dưới thì ngày đêm đi tiểu rất nhiều, nguyên nhân do dâm dục quá độ, trà rượu không chừng, hoặc ăn nhiều đồ xào nướng, hoặc uống Thu*c bằng kim thạch làm cho khô kiệt chất nước trong thận, khí nóng trong tâm cháy rực, tam tiêu bị nung nấu, ngũ tạng khô ráo, từ đó sinh ra chứng tiêu khát. Theo “Hải thượng Y tông tâm lĩnh, Y trung quan kiện”: Bệnh tiêu khát phần nhiều là do hỏa tiêu hao chân âm, ngũ dịch bị khô kiệt mà sinh ra.

Bệnh nguyên bệnh cơ

Từ những ghi chép của y văn cổ qua các thời đại thấy có nhiều yếu tố liên quan đến bệnh tiêu khát. Thứ nhất là do tiên thiên bất túc, tức nguyên khí bị hư. Thứ 2 là do hậu thiên: Do ăn uống thất điều, quá no hay quá đói, ăn nhiều chất béo, ngọt, tinh thần không ổn định, tình chí thất điều làm ảnh hưởng đến công năng của các tạng phủ. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Các nhân tố gây bệnh thường phối hợp với nhau gây ra những hội chứng bệnh trong bệnh tiêu khát.

Tiên thiên bất túc: Do bẩm tố tiên thiên bất túc, ngũ tạng hư yếu, tinh khí của các tạng đưa đến thận để tàng chứa giảm sút dẫn đến tinh khuy dịch kiệt mà gây ra chứng tiêu khát.

Ăn uống không điều độ: Ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng lâu ngày làm nung nấu, tích nhiệt ở tỳ vị, nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt tân dịch mà gây ra chứng tiêu khát.

Tình chí thất điều: Do suy nghĩ, căng thẳng thái quá, do uất ức lâu ngày, lao tâm lao lực quá độ mà ngũ chí cực uất hóa hỏa. Hỏa thiêu đốt phế, vị, thận làm cho phế táo, vị nhiệt, thận âm hư. Thận âm hư dẫn đến tân dịch giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo, không đưa được nước, tinh hoa của thủy cốc đi nuôi cơ thể mà dồn xuống bàng quang nên người bệnh khát nước, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt.

Phòng lao quá độ: Do đam mê tửu sắc, phòng lao quá độ làm thận tinh hao tổn, hư hỏa nội sinh làm tân dịch càng khuy kiệt. Cuối cùng thận hư, phế táo, vị nhiệt dẫn đến tiêu khát.

Dùng Thu*c ôn táo kéo dài làm hao tổn tân dịch: Ngày xưa nhiều người thích dùng phương Thu*c “Tráng dương chí thạch”, là loại Thu*c táo nhiệt, làm tổn hại chân âm và sinh ra tiêu khát. Các Thu*c tráng dương khác cũng thường có tính ôn táo, dùng lâu ngày cũng sinh táo nhiệt, hao tổn tân dịch mà gây bệnh.

Phân thể lâm sàng và điều trị

Người xưa quan niệm tiêu khát có 3 thể: Thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Cả 3 thể này đều biểu hiện tứ chứng cổ điển: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều. Thượng tiêu khát (phế nhiệt) sẽ gây ra uống nhiều, trung tiêu khát (vị nhiệt) sẽ gây ra ăn nhiều, hạ tiêu khát (thận âm hư) sẽ gây ra đái nhiều.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về lịch sử, kinh tế, xã hội mà bệnh tật cũng thay đổi theo. Qua quá trình nghiên cứu và điều trị, người ta nhận thấy cách phân chia trước đây không còn phù hợp. Với những bệnh nhân đái tháo đường hiện nay các triệu chứng cổ điển rất mờ nhạt, thay vào đó là các biểu hiện khác như: Giảm thị lực, tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành, rối loạn chuyển hóa Lipid…

Vì vậy dựa vào nguyên nhân gây bệnh, biểu hiện lâm sàng mà phân ra các thể bệnh sau:

Thể vị âm hư, tân dịch khuy tổn.

Thể vị âm hư, vị hỏa vượng.

Thể khí âm lưỡng hư.

Thể thận âm hư.

Thể thận dương hư.

Việc điều trị chủ yếu là thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt. Dùng Thu*c theo lý luận y học cổ truyền để chữa bệnh và điều trị các biến chứng.

Thể vị âm hư tân dịch khuy tổn

Chứng hậu: Miệng khô, họng táo, ăn nhiều, mau đói, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trắng khô, mạch trầm huyền.

Pháp điều trị: Dưỡng âm sinh tân.

Phương:

+ Cổ phương dùng bài Tăng dịch thang (Ôn bệnh điều biện) gồm: Huyền sâm 40g, Mạch môn 32g, Sinh địa 32g. Có thể gia giảm thêm một số vị Thu*c khác như Cát căn, Thiên hoa phấn, Thạch hộc. Ăn nhiều gia Ngọc trúc. Đại tiện bí kết gia Đại hoàng, Chỉ thực. Thấp nhiệt trở trệ gia Nhân trần, Trạch tả.

+ Có thể dùng các vị Thu*c Nam: Củ sắn dây, Củ đậu, Kê huyết đằng, Mướp đắng, Đỗ đen, Củ tóc tiên.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt: Thận du, Cách du, Thái khê, Phục lưu, Thủy tuyền, Tam âm giao, Lệ đoài.

Thể vị âm hư, vị hỏa vượng

Chứng hậu: Khát nước, uống nhiều, ăn nhiều, mau đói, mệt mỏi, nóng trong, tiểu nhiều, nước tiểu vàng đục, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch sác.

Pháp điều trị: Tư âm thanh nhiệt.

Phương:

+ Cổ phương dùng bài Tăng dịch thang hợp Bạch hổ thang gia giảm: Huyền sâm 15g, Mạch môn 10g, Sinh địa 15g, Thạch cao 15g, Tri mẫu 15g, Thiên hoa phấn 15g. Vị nhiệt nhiều gia Hoàng liên, Chi tử. Đại tiện bí kết gia Đại hoàng, Mang tiêu. Âm hư nhiều bội liều Sinh địa, Mạch môn.

+ Thu*c Nam: Quả dâu chín, Kê huyết đằng, Rau má, Thạch hộc, Bạch biển đậu, Sinh địa, Đỗ đen, Ngọc trúc.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt: Thận du, Tỳ du, Vị du, Thái khê, Phục lưu, Tam âm giao. Châm tả các huyệt Thái xung, Túc tam lý, Phong long, Giải khê.

Thể khí âm lưỡng hư

Chứng hậu: Miệng khô, họng táo, mệt mỏi, đoản khí, Lưng gối mỏi yếu, hồi hộp trống ngực, đau ngực, tự hãn, đạo hãn, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, chân tay tê bì, giảm thị lực, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm vi.

Pháp điều trị: Ích khí dưỡng âm.

Phương:

+ Cổ phương: Sinh mạch tán + Tăng dịch thang: Huyền sâm 40g, Mạch môn 32g, Sinh địa 32g, Nhân sâm 15g, Ngũ vị tử 8g. Gia các vị Cát căn, Sơn thù, Hoàng kỳ, Hoài sơn. Âm hư là chính gia Thạch hộc, Ngọc trúc. Khí âm lưỡng hư kèm huyết ứ gia thêm: Đương quy, Đào nhân, Hồng hoa, Đan sâm. Chân tay tê bì gia Mộc qua, Ngưu tất. Thị lực giảm gia Cốc tinh thảo, Thanh tương tử, Cúc hoa. Có phù nhẹ gia Trạch tả, Xa tiền tử.

+ Thu*c Nam: Củ mài, Rau má, Sa sâm, Củ tóc tiên, Sâm nam, Thiên hoa phấn, Rễ vú bò.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt: Thận du, Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Tam âm giao.

Thể thận âm hư

Chứng hậu: Miệng khát, mệt mỏi, đau lưng mỏi gối, ngũ tâm phiền nhiệt, ngủ ít, hay mê, đại tiện táo, nước tiểu vàng sẫm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị: Tư bổ thận âm.

Phương:

+ Cổ phương dùng Lục vị địa hoàng hoàn: Thục địa 320g, Sơn thù 160g, Bạch linh 120g, Hoài sơn 120g, Trạch tả 120g, Đan bì 120g. Tán bột mật hoàn, mỗi hoàn 8 – 12g ngày dùng 2 lần. Gia thêm các vị Thiên hoa phấn, Thạch hộc, Kỷ tử. Âm hư hỏa vượng nhiều gia Tri mẫu, Hoàng bá. Chân tay mỏi yếu gia: Ngưu tất, Cẩu tích. Giảm thị lực gia Cúc hoa. Hỏa vượng bốc lên gia Thiên ma, Câu đằng.

+ Thu*c Nam: Thạch hộc, Huyền sâm, Rau má, Thiên hoa phấn, Kê huyết đằng, Đỗ đen.

Châm cứu: Châm bổ Thận du, Thái khê, Tam âm giao.

Thể thận dương hư

Chứng hậu: Miệng khát, không muốn uống nước, mệt mỏi, đoản khí, sợ lạnh, chân tay lạnh, tự hãn, phù thũng, sắc mặt xám nhợt, đại tiện lúc lỏng lúc táo, tiểu tiện nhiều, nước tiểu đục, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng khô, mạch trầm vi vô lực.

Pháp điều trị: Bổ thận dương.

Phương:

+ Cổ phương dùng Thận khí hoàn: Sinh địa 320g, Sơn thù 160g, Bạch linh 120g, Phụ tử chế 40g, Hoài sơn 160g, Trạch tả 120g, Đan bì 20g, Quế chi 40g. Có thể gia giảm các vị: Kim anh tử, Khiếm thực, Hoàng kỳ, Thiên hoa phấn. Các vị tán bột, mật hoàn viên 8 – 12g, uống với nước muối nhạt. Thận dương hư nhiều, có di tinh, liệt dương gia Ích trí nhân, Phú bồn tử. Kiêm tỳ dương hư gia Đảng sâm, Bạch truật. Khí uất, thấp trở gia Sài hồ, Thạch vĩ. Âm dương khí huyết lưỡng hư gia Đương quy, Kỷ tử.

+ Thu*c Nam: Ba kích, Phá cố chỉ, Thiên hoa phấn, Kỷ tử, Kim anh tử, Thỏ ti tử, Hoài sơn, Thạch hộc, Trâu cổ.

Châm cứu: Châm bổ Thận du, Thái khê, Túc tam lý, Tam âm giao. Cứu ngải Mệnh môn, Quan nguyên, Khí hải.

Các thể trên có thể kết hợp điều trị bằng Nhĩ châm, Mai hoa châm, Khí công dưỡng sinh, xoa bóp bấm huyệt.

Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)

(Chủ tịch Tổ chức Quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam.)

Mạng Y Tế
Nguồn: Y dược học (https://www.ydhvn.com/news/benh-dai-thao-duong-theo-y-hoc-co-truyen)

Tin cùng nội dung

  • Ayurveda (y học Ấn Độ cổ đại) có những bí quyền cổ truyền hiệu nghiệm để kéo dài yêu đương lâu hơn, tăng sức chịu đựng và kích thích hoạt động T*nh d*c
  • Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là danh từ dùng để chỉ một nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, thường đặc trưng bởi tăng đường máu.
  • Bệnh tiểu đường là một bệnh nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận và cơ quan trong cơ thể. Đó là lý do bệnh nhân cần được châm sóc từ nhiều bác sĩ.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Khảo sát dẫn truyền dây thần kinh giúp kiểm tra xem các dây thần kinh dẫn truyền các tín hiệu điện có tốt và có nhanh hay không.
  • Nền nhiệt thấp và mưa phùn ẩm, chế độ ăn uống sinh hoạt thả phanh ngày Tết chính là yếu tố khiến nhiều người dễ bị gặp phải những căn bệnh này.
  • Bài Thuốc dân gian điều trị bệnh tiểu đường
  • Đối với YHCT, ra mồ hôi trộm hay còn gọi là chứng Đạo hãn, nguyên nhân phần lớn do âm huyết không đầy đủ hoặc hoạt động công năng của khí bị cản trở. Bài viết cung cấp các thể điển hình của đạo hãn và một số phương pháp chữa trị.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
  • Bệnh di truyền là những bệnh xảy ra do những bất thường về gen hoặc về nhiễm sắc thể. Bệnh được di truyền là bệnh do bất thường về gen ở bố mẹ truyền sang cho con họ. Những bệnh này có thể là bệnh di truyền trội, di truyền lặn, hoặc bệnh di truyền liên kết NST giới tính X. Bệnh về NST là những bệnh gây ra do mất NST, bất thường NST, hoặc thừa NST.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY