Xúc động trước tình cảnh ngặt nghèo của con gái Đại úy Phan Văn Hoàng, một người lính khác đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Cách đây vài ngày, chúng tôi nhận được thông tin từ anh Đinh Văn Hồng, hiện đang công tác tại Điện lực Quảng Ngãi về việc kêu gọi hiến máu tình nguyện giúp đỡ cháu Phan Thu Hoài, con gái Đại úy Phan Văn Hoàng, một người lính từng công tác ở Trường Sa.
Cách đây 3 năm, nhiều tờ báo từng đưa câu chuyện xúc động về những người chiến sĩ trẻ trên đảo Sinh Tồn đã gửi đấu giá cây hoa ốc biển họ tự làm để lấy tiền chung tay giúp anh Phan Văn Hoàng, khi ấy anh Hoàng là Thượng úy, công tác trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa chữa chạy cho đứa con gái nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Online về tình cảm gia đình của mình, Đại úy Phan Văn Hoàng, nay công tác tại Tiểu đoàn 1038, Lữ đoàn 957 (Bộ tư lệnh vùng 4 Hải quân) ngậm ngùi: “Tôi quê ở xã Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An. Nhập ngũ năm 1993.
Năm 1996, sau khi cưới chị Ngô Thị Hằng (cùng quê), tôi đưa vợ vào Khánh Hòa sinh sống nhưng sau 16 năm cưới nhau, chúng tôi phải dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo mới có cháu Phan Thu Hoài”.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang, Hoài bị viêm tủy bẩm sinh phải truyền máu ngay mới mong giữ lại được sự sống. “Lúc con ra đời, tôi đang đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Cả đêm hôm đó đồng đội cùng thức với tôi để đón nhận thông tin từ Bệnh viện Cam Ranh cập nhật từng phút.
Hơn 100 người tình nguyện hiến máu cho cháu và may mắn có một người có nhóm máu phù hợp và Hoài được cứu sống. Nhưng để duy trì sự sống, hằng tháng Hoài phải được tiếp máu một lần”, anh Hoàng kể.
Suốt 3 năm qua, mỗi lần tranh thủ được nghỉ phép, vợ chồng anh Hoàng đưa con đi khắp các bệnh viện để chữa chạy. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, biện pháp và cũng là hy vọng duy nhất bây giờ là phải chờ cháu Hoài đủ 6 tuổi mới tiến hành ghép tủy.
Hiện tháng nào gia đình anh Hoàng cũng phải đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh để truyền máu và cứ một tuần phải đưa cháu vào Bệnh viện Huyết học TP.HCM để thải sắt, mỗi tháng chi phí khoảng 10 đến 15 triệu đồng tiền Thu*c thang. Hoàn cảnh kinh tế đã kiệt quệ nhưng hai vợ chồng anh Hoàng vẫn luôn tâm niệm “còn sống, còn cứu con”.
Xúc động trước hoàn cảnh của vợ chồng anh Hoàng, mới đây, qua lời kêu gọi của anh Đinh Văn Hồng và cộng đồng thiện nguyện trên mạng xã hội, hàng trăm người đã tự nguyện đăng ký hiến máu để cứu giúp cháu Hoài.
Tuy nhiên, cơ chế tiếp nhận hiến máu nhân đạo chưa có việc tiếp nhận đồng loạt hiến máu cho một trường hợp cụ thể. Vì thế, Thiếu tá Nguyễn An Ninh, cán bộ Trường Sĩ quan Pháo binh đã viết bức tâm thư gửi
bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị vấn đề này.
Bức thư được gửi đến
bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến qua trang fanpage của bà có đoạn: “Khi biết thông tin về cháu Hoài nhiều tình nguyện viên hiến máu đã nói rằng, họ vẫn thường xuyên vận động và tham gia những đợt hiến máu tình nguyện dù rằng không hề biết giọt máu của mình sẽ được bệnh nhân nào tiếp nhận. Họ cho đi nhưng không hề mong muốn mình sẽ được nhận lại vì họ hành động theo tiếng gọi của trái tim và lòng nhân ái.
Thế nên, họ đã tặng những tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện đó cho cháu Hoài như một mong mỏi, họ đã coi cuộc sống của cháu Hoài chính là cuộc sống của họ.
Thưa cô Kim Tiến, cháu rất biết những dòng chữ ghi trên những tấm giấy chúng nhận hiến máu tình nguyện đó có ý nghĩa như thế nào, nhưng cháu xin thay mặt cho những người lính, những người đã từng tham gia các cuộc vận động hiến máu của ngành Y tế tha thiết mong cô, với trái tim của một bậc làm cha làm mẹ đối với con gái, một bác sĩ đối với bệnh nhân để xem xét và đặc cách cho cháu Hoài được sử dụng những tấm giấy chứng nhận hiến máu của các tình nguyện viên ở các trung tâm y tế, bệnh viện nơi cháu hằng tháng đến điều trị, xin cô hãy coi những giọt máu mà chúng cháu đã hiến tặng chính là những giọt máu của cháu Hoài”.
Bức thư được đăng tải trên mạng xã hội tiếp tục gây sự xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng mạng và đã được
bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận. Ngày 12/3, ông Phạm Thanh Bình, Phó chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết: “Qua trang fanpage cá nhân,
bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận được tâm thư của anh Nguyễn An Ninh.
Được biết gia đình Đại úy Phan Văn Hoàng đã phải bán đi tài sản lớn nhất của mình là ngôi nhà để chữa bệnh cho con. Để chia sẻ khó khăn với gia đình anh Phan Văn Hoàng, những người lính tham gia cuộc vận động hiến máu của ngành y tế muốn cháu Phan Thị Thu Hoài được sử dụng những tấm giấy hiến máu để được truyền máu hằng tháng.
bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xem xét, chấp thuận kiến nghị của những người hiến máu và cử đội ngũ chuyên gia giỏi để cứu chữa cho cháu Phan Thị Thu Hoài. Ngày 12/3, Văn phòng Bộ Y tế đã có công văn gửi Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương truyền đạt chỉ đạo trên.
Ngày 13/3, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Online, anh Đinh Văn Hồng, đại diện cho những người hiến máu tình nguyện giúp cháu Hoài cho biết thêm: “Sau khi tâm thư được đăng tải trên mạng xã hội, đến nay ngoài 320 giấy hiến máu còn có các tình nguyện viên hiến máu của các trường đại học khu vực Hà Nội sẵn sàng hiến máu khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, để hỗ trợ cháu Hoài hiệu quả hơn, cần thành lập các nhóm hỗ trợ hiến máu sống tại các khu vực Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi cháu thường xuyên phải tới chữa trị.
Chúng tôi cũng đang vận động gia đình anh Hoàng đưa cháu ra Hà Nội chữa trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; đồng thời tìm việc làm, kêu gọi các nguồn hỗ trợ kinh phí giúp gia đình anh Hoàng chữa bệnh cho con. Trước mắt, sẽ bố trí nơi ăn nghỉ cho gia đình cháu Thu Hoài khi ra chữa bệnh tại khu chung cư dành cho sinh viên con em bộ đội Trường Sa do một Việt kiều xây dựng ở Linh Đàm (Hà Nội).
Theo Quân đội Nhân dân