Gần 20 năm mày mò nghiên cứu, thậm chí lấy máu xét nghiệm từng con khỉ, theo dõi từng bãi phân khỉ sau khi tiêm, văcxin phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus đã được đưa ra thị trường với giá chỉ bằng 1/3 nhập ngoại.
Việc sản xuất thành công vắc-xin Rotavin-M1 đưa Việt Nam trở thành nước thứ tư trên thế giới và thứ hai ở châu Á có thể tự sản xuất văcxin phòng chống virus Rota. Đây cũng là một trong 9 sự kiện khoa học công nghệ ấn tượng của Việt Nam trong năm 2014.
Phó giáo sư Lê Thị Luân, chủ nhiệm đề tài hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế. Sinh năm 1962, tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), năm 1980 bà theo học chuyên khoa Đa khoa nội nhi tại Đại học Y Hà Nội. Học đến năm thứ 5, bà thi đỗ nội trú vi sinh, chuyển sang học 3 năm nữa rồi về làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
Từ đó bà bắt đầu làm bạn với chiếc kính hiển vi, phòng thí nghiệm và những mẫu bệnh phẩm. Công việc nghiên cứu văcxin rotavirus được bắt đầu từ năm 1998 với việc giám sát bệnh
tiêu chảy tại Việt Nam. 5 năm sau (2001-2005), các nhà khoa học mới tạo được chủng để sản xuất văcxin. Có những lúc tưởng như công trình đi vào ngõ cụt khi việc phát triển virus trở nên khó khăn.
Năm 2005, Trung tâm tạo được toàn bộ chủng giống - nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất văcxin Rota tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất văcxin, không cần đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại. Sau đó nhóm phải mất 3 năm nghiên cứu quy trình, sản xuất và thử nghiệm thành công trên khỉ; xin cấp phép thử nghiệm lâm sàng trên người.
Đảo Rều (Quảng Ninh) được chọn là nơi thử nghiệm văcxin trên loài khỉ. Theo phó giáo sư Luân, giai đoạn thử nghiệm rất kỳ công bởi sau mỗi liều đưa vào cơ thể khỉ, nhóm phải ở lại đảo 10 ngày liên tiếp để theo dõi. Không ít lần bà phải nhờ mẹ chồng chăm sóc con để ra sống ở đảo lấy máu xét nghiệm từng con khỉ, theo dõi từng bãi phân sau khi tiêm.
Phần cam go nhất là thử nghiệm lâm sàng trên người gồm 3 giai đoạn với số lượng trẻ tham gia thử nghiệm tăng dần. Trong đó, khó nhất là giai đoạn 2 - thử nghiệm trên 200 trẻ 6-12 tuần tuổi. Cùng với chính quyền huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) và TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình), nhóm vận động 1.500 phụ huynh cho con tiêm mới và được 500 người đồng ý. Đến ngày tiêm thử nghiệm, con số trên giảm gần một nửa. Người có con dùng văcxin thử nghiệm lo lắng, bản thân các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu cũng thấp thỏm không kém.
“Dù đã biết chắc văcxin an toàn nhưng không ai có thể yên tâm hoàn toàn vì biết đâu chỉ một sơ suất nhỏ có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng... Suốt tuần lễ sau khi tiêm cho 200 trẻ, các thành viên trong nhóm không ai ngủ ngon, chỉ một cuộc điện thoại số lạ là giật thót", phó giáo sư 53 tuổi kể lại.
Cuối cùng sau 16 năm - tháng 5/2012, văcxin được Bộ Y tế cấp phép và đưa ra thị trường. Giá một liều chỉ 250.000-300.000 đồng, bằng 1/3 so với văcxin nhập ngoại, trong khi hiệu quả được chứng minh là không hề thua kém. Thậm chí nó có thể xuất khẩu sang nước khác nếu được sự đầu tư của nhà nước. Việt Nam đã tự sản xuất được 11 loại văcxin phục vụ tiêm chủng mở rộng, nhưng đây là loại đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất từ chủng virus có nguồn gốc từ Việt Nam.
Bà Luân cho rằng thành công này là kết quả của quá trình miệt mài, đam mê nghiên cứu hàng trăm ngàn mẫu phân suốt 16 năm. Bà cảm thấy may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác khi chứng kiến thành quả khoa học của mình dần được phổ biến trên thị trường.
Sau thành công này, nhiều công ty nghiên cứu văcxin nước ngoài đã đưa ra những lời mời hấp dẫn về làm việc, bà đều từ chối. “Tôi luôn quan niệm sống phải có trước có sau. Bản thân may mắn vì ra trường là được làm việc, được nghiên cứu trong môi trường thuận lợi nên cần có trách nhiệm tiếp tục cống hiến cho nơi đã cho mình thành công”, bà tâm sự.
Thành công hôm nay theo phó giáo sư Luân có sự hy sinh rất lớn của người chồng và sự giúp đỡ, động viên của bố mẹ hai bên nội ngoại. Chồng bà là kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, rất bận rộn nhưng việc nhà ông lo hết để bà tập trung vào nghiên cứu khoa học. Năm 2001, ông mắc một chứng bệnh hiếm trên thế giới, chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả. Chồng mất khi công việc còn bộn bề và chưa có kết quả, hai con đang đi học khiến bà thêm khó khăn.
“Lúc đó tôi suy sụp tinh thần lắm, phải gần một năm sau mới lấy lại được thăng bằng. Cũng may gia đình hai bên nội ngoại đã luôn bên tôi và các con để động viên, chăm sóc”, phó giáo sư Luân chia sẻ.
Ở tuổi 53, bà cùng đồng nghiệp đang nghiên cứu thực hiện 3 sản phẩm: văcxin bại liệt bất hoạt dạng tiêm thay thế cho văcxin bại liệt sống uống giảm độc lực; rubella; tay chân miệng. “Nếu được quay trở lại là sinh viên trường y gần 30 năm trước đang trăn trở giữa việc theo y học điều trị hay y học dự phòng, tôi vẫn sẽ chọn y học dự phòng”, phó giáo sư cười nói.
Công trình sản xuất thành công văcxin Rotavin-M1 đã giúp phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Luân, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế, được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2013. Đây là giải thưởng thường niên có ý nghĩa quốc tế tôn vinh những tập thể, cá nhân là nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.
Theo VnExpress