Quyết định của Bộ trưởng Y tế về việc công nhận, giao nhiệm vụ tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật tim mạch vừa được trao cho Bệnh viện Tim Hà Nội. Theo đó, Bệnh viện Tim Hà Nội tham gia cùng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên ngành tim mạch. Bệnh viện Tim Hà Nội cũng được giao là bệnh viện hạt nhân tham gia chỉ đạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Ðây là bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự phát triển của một bệnh viện đầu ngành với năm mũi nhọn: phẫu thuật, can thiệp, nội khoa, nhi khoa và tim mạch chuyển hóa.
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết đến nay Bệnh viện Tim Hà Nội là đơn vị duy nhất của Hà Nội được Bộ Y tế công nhận và giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật; đồng thời là một trong 23 bệnh viện hạt nhân của Bộ Y tế tham gia chỉ đạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho 16 bệnh viện vệ tinh trên cả nước, trong đó có các bệnh viện tuyến tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai... Thời gian qua, Bệnh viện bảo đảm tiến độ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh bằng nhiều hình thức, như tổ chức các lớp đào tạo, cử cán bộ trực tiếp về hỗ trợ cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới. Năm 2019, bệnh viện đã tổ chức các lớp đào tạo cho 522 học viên (là cán bộ y tế thuộc các bệnh viện vệ tinh), chuyển giao 60 gói kỹ thuật, từ cơ bản đến nâng cao và cử 87 lượt chuyên gia xuống trực tiếp chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh. Những chuyên gia đi chuyển giao kỹ thuật đã tham gia hỗ trợ các kíp cán bộ của bệnh viện vệ tinh thực hiện hàng trăm ca cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, điều trị rối loạn nhịp, can thiệp tim mạch, cấp cứu tim mạch, siêu âm qua thực quản, siêu âm mạch máu…
Bên cạnh đó, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng biên soạn mới, hoàn thiện, phát triển và trình Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt 26 tài liệu đào tạo để phục vụ chuyển giao 10 gói kỹ thuật thuộc phạm vi đề án bệnh viện vệ tinh. Ðó là các tài liệu về cấp cứu tim mạch, điều dưỡng nội khoa tim mạch, cấp cứu tim mạch nhi… Hoàn thiện, trình Bộ Y tế thẩm định hai chương trình đào tạo về "cấp cứu tim mạch nhi" và "chuẩn bị và phụ giúp can thiệp tim mạch cơ bản"… Sau khi được chuyển giao các gói kỹ thuật, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh được nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch… nhờ đó "giữ chân" được người bệnh, hạn chế thấp nhất việc phải chuyển lên tuyến trên.
Xác định việc hỗ trợ y tế cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã triển khai xây dựng, xuất bản tài liệu và triển khai nhiều lớp đào tạo phù hợp y tế cơ sở. Ðồng thời xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành, in ấn, ban hành các quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị tim mạch cho y tế cơ sở như: điều trị, quản lý tăng huyết áp tại tuyến xã; phác đồ điều trị tăng huyết áp tại trạm y tế; chẩn đoán, điều trị đột quỵ não; chẩn đoán, điều trị, quản lý suy tim… Với sự hỗ trợ này, các bác sĩ tuyến cơ sở có khả năng chẩn đoán và xử trí bước đầu, chuyển tuyến phù hợp đối với một số bệnh lý thường gặp.
Chủ đề liên quan:
ăn ốc an toà bộ y tế chấn chỉnh cháu bé chó lai chuyển giao công nghệ cứu sống di truyền đột biến giải mã hôn mê kỹ thuật lĩnh vực ngừng tuần hoàn nguy kịch nha khoa phụ nữ singapore