(SucKhoeDoiSong.vn) - Thực chất chúng ta cũng có đào tạo sau đại học và hầu hết các bác sĩ muốn làm được việc tự họ phải tìm cách đi học để hoàn chỉnh kiến thức và kể cả bằng cấp..
Thực chất chúng ta cũng có đào tạo sau đại học và hầu hết các bác sĩ muốn làm được việc tự họ phải tìm cách đi học để hoàn chỉnh kiến thức và kể cả bằng cấp, nhưng có điều tôi thấy chúng ta đi hơi ngược với các nước tiên tiến và nhiều nước khác.
Tôi là một bác sĩ trẻ, nhưng có may mắn được làm việc và học tập ở nhiều môi trường khác nhau, từ bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tuyến trung ương cho tới trung tâm y học có tầm quốc tế, nên có điều kiện so sánh và có cài nhìn khá toàn cảnh về nền y tế cũng như những điểm mạnh yếu của y học nước nhà. Tôi xin chia sẻ cách nhìn nhận về y đức trên một bình diện khác, không phải từ thái độ và biểu hiện bên ngoài của người thầy Thu*c mà là cái nhìn từ bên trong, đó là kiến thức và kỹ năng khám chữa bệnh.
Trong những năm gần đây, vấn đề y đức đang được xã hội và ngành chúng ta quan tâm hơn bao giờ hết. Theo tôi người bác sĩ có y đức trước tiên phải là người biết làm tròn bổn phận của mình đó là chữa bệnh cứu người. Chỉ cần một sai lầm nhỏ của bác sĩ có thể dẫn tới hậu quả xấu cho bệnh nhân, mà hậu quả này nếu là chủ quan từ phía bác sĩ thì người bác sĩ đó khó có thể nói là có y đức được.
Đây theo tôi là điểm quan trọng nhất vì dù người bác sĩ có tốt bụng, nhân ái đến đâu đi nữa mà gây hậu quả xấu trên sức khỏe người bệnh thì không thể nói là bác sĩ ấy có y đức được. Thử đặt câu hỏi là có một người bác sĩ rất tốt mà chữa bệnh nhân không khỏi hoặc thậm chí Tu vong thì người đấy có y đức không? Trong quá trình làm việc, tôi thấy rất rõ điều này. Phải thẳng thắn nói rằng, nhiều vụ kiện cáo bác sĩ tắc trách gây hậu quả một phần do trình độ chuyên môn của bác sĩ.
Vả lại, khi bác sĩ có đầy đủ kiến thức họ sẽ tự thấy cẩn trọng trong các quyết định và tiên lượng được các vấn đề và không dám ''làm liều’’, và từ đó ít có sai lầm chuyên môn. Tôi còn nhớ khi mới đi lâm sàng (Y3), lúc đó chúng tôi cứ tưởng bệnh gì cũng biết và chẩn đoán như ai nhưng càng trưởng thành lại càng thấy nhiều vấn đề không đơn giản thế, càng biết nhiều càng thận trọng hơn. Vì vậy, theo tôi người bác sĩ có y đức trước tiên phải là người có chuyên môn đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong chuyên ngành của mình, và đồng thời phải có thái độ phục vụ, giao tiếp tốt với bệnh nhân. Vậy vấn đề mấu chốt ở đây là muốn có y đức thì trước tiên phải nắm vững về y thuật. Mà muốn nắm vững được chuyên môn thì khâu quan trong nhất là đào tạo và tự đào tạo.
Vậy đào tạo của chúng ta hiện nay đang ở đâu?
Từ thực tế tôi cũng là một bác sĩ mới ra trường chưa lâu nên có thể nhận thấy thiếu sót của việc đào tạo vì chính tôi là đối tượng thụ hưởng nó cùng với các bạn đồng nghiệp cùng lứa. Tôi thấy rằng khi hết 6 năm y khoa hầu hết bác sĩ mới ra trường chưa thể đảm nhận bệnh nhân một cách độc lập và có thể phạm sai lầm chuyên môn. Đối với ngành y, là ngành rất đặc biệt, 6 năm học đại học chỉ là 6 năm học cơ bản. Các nước trên thế giới hiện nay hầu hết phải học 9-13 năm mới ra trường làm việc được, nhưng chúng ta chỉ có 6 năm, vì vậy chất lượng bác sĩ của ta có bằng họ?! Chưa kể ở ta còn có bác sĩ chuyên tu, rồi chất lượng 6 năm ấy của các trường y khác nhau cũng không đồng nhất. Để so sánh thì rất khập khiễng nhưng tôi thấy chất lượng bác sĩ của ta còn cách xa họ quá, nhất là ở các lĩnh vực chuyên ngành sâu. Ta có được ưu điểm là có hệ thống khám chữa bệnh từ xã đến trung ương, và đảm đương khá tốt các bệnh thông thường, nhưng còn chuyên sâu thì còn xa quá.
Thực chất chúng ta cũng có đào tạo sau đại học và hầu hết các bác sĩ muốn làm được việc tự họ phải tìm cách đi học để hoàn chỉnh kiến thức và kể cả bằng cấp, nhưng có điều tôi thấy chúng ta đi hơi ngược với các nước tiên tiến và nhiều nước khác. Đó là họ đào tạo liên tục đến lúc người bác sĩ cứng tay nghề thì cho hành nghề độc lập, còn ta tuyển vào làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học ---> có thể phạm sai lầm nghiêm trọng, rồi mới cho đi học tiếp để hoàn chỉnh bằng cấp (sau ít nhất 2 năm kinh nghiệm), vậy những năm đó bệnh nhân phải chịu hậu quả, mà thậm chí việc học sau đại học chỉ mang tính chất hoàn chỉnh bằng cấp ----> về thực tế chuyên môn không được nâng cao rõ rệt nên bệnh nhân vẫn là người chịu thiệt thòi. Vả lại, chương trình sau đại học của ta là 2 năm đối với chuyên khoa 1 và thạc sĩ, như vậy thời lượng quá ít. Chương trình như vậy theo tôi là theo khung đào tạo sau đại học của Bộ Giáo Dục, nhưng y tế là ngành đặc thù, không phải ngành nào cũng áp dụng giống nhau được.
Cũng từ yêu cầu cấp thiết là cần kiến thức để làm việc (và một phần là cần bằng cấp để làm việc), trong khi đó học sau đại học không phải là tiêu chí bắt buộc, mới sinh ra chuyện anh nào muốn đi học thì phải xin, xếp hàng chờ đến lượt đi… rất nhiêu khê. Ở đây phải nhận thức lại rằng, học là để tăng cường kiến thức về chuyên môn để làm việc tốt hơn, phục vụ bệnh nhân tốt hơn vì vậy khi người bác sĩ muốn đi học thì phải được đáp ứng, thậm chí theo tôi người nào có chuyên môn không vững thì phải được ưu tiên đi học trước.
Để giải quyết tình trạng trên theo tôi, chúng ta nên áp dụng đào tạo giống hoặc gần giống với các nước, đó là sau khi tốt nghiệp ĐH Y khoa, anh nào muốn theo chuyên nghành nào sẽ tiếp tục thi tuyển để vào học chuyên ngành của ngành đó ngay (spécialisation), hết giai đoạn này thì mới được ra hành nghề. Khi được chọn vào học chuyên ngành, bác sĩ sẽ được nhận lương để yên tâm học tập và làm việc, lương này do Bộ Y tế cấp (như là khởi điểm của công chức). Ở Vương quốc Bỉ (Liège), các bác sĩ sau khi tốt nghiệp được lựa chọn vào học chuyên khoa hoặc bác sĩ gia đình, 3 năm với bác sĩ gia đình, 4 đến 6 năm với bác sĩ chuyên ngành khác, sau khi được nhận vào họ chịu trách nhiệm điều trị bệnh nhân dưới sự giám sát của bác sĩ đã được đào tạo đầy đủ (học xong chuyên ngành và được công nhận là chef clinique), được nhận lương giúp việc (assistant) đủ để sinh hoạt (khoảng 1800 euros/tháng = mức trung bình của người lao động ở Bỉ).
Việc thực hiện, theo tôi là có thể, giống như
đào tạo bác sĩ nội trú của ta hiện tại, có điều, nó là bắt buộc đối với tất cả những ai muốn làm lâm sàng, những bác sĩ này sẽ được phân đi các khoa ở các bệnh viện để vừa học, vừa làm việc dưới sự giám sát và được trả lương bằng lương khởi điểm tối thiểu (2,34) và chương trình học không phải là 3 năm mà phải là 4 đến 6 năm đối với các chuyên ngành, 2 đến 3 năm đối với bác sĩ gia đình (bác sĩ đa khoa).
Việc này giải quyết được nhiều vấn đề:
- Đào tạo được bác sĩ có tay nghề tốt.
- Giảm tình trạng thiếu nhân lực ở các cơ sở y tế do quá tải vì các bác sĩ giúp việc này chịu tránh nhiệm theo dõi được bệnh nhân và làm một số việc thay được cho bác sĩ chính như hồ sơ, khám bệnh, một số thủ thuật…
- Có thể mở rộng các BV hiện có hoặc mở thêm bệnh viện để đáp ứng nhu cầu, giải quyết tình trạng quá tải. Như tại Liège (Bỉ) một đơn nguyên điều trị như vậy chỉ cần 1 bác sĩ chịu tránh nhiệm chính, còn hàng ngày theo dõi và khám bệnh có các bác sĩ đi học làm, ví dụ như tôi học ở khoa Hô hấp thì thấy, một khoa hô hấp có 5-6 đơn nguyên lâm sàng, nhiều phòng khám chuyên khoa, vài đơn nguyên cận lâm sàng, một phòng nội soi, phòng mổ và gây mê-nội soi trung thất chung với khoa khác, các phòng khám chuyên khoa và các đơn nguyên lâm sàng nằm rải rác vài điểm trong thành phố và ở Bệnh viện trung tâm (CHU). Chúng ta có thể cần 1,2 hoặc 3 bác sĩ như vậy cho 1 đơn nguyên điều trị nhưng thế là rất ít so với hiện tại một khoa có thể lên tới hàng mấy chục bác sĩ trong một đơn nguyên điều trị. Ví dụ như ở một số bệnh viện tuyến trung ương của chúng ta bây giờ có rất nhiều bác sỹ, nhiều học viên mà lại ít giường bệnh, bệnh nhân nằm nghép dẫn tới chật chội, bác sĩ và học viên cũng ‘ghép’ nhiều trên 1 giường bệnh hay 1 phòng bệnh(!), dẫn đến chồng chéo, hiệu quả đào tạo không cao, học viên đa số không được trao quyền theo dõi bệnh nhân cụ thể mà chỉ ‘đi xem’ hoặc nếu có thì cũng không gắn hết trách nhiệm. Tại sao chúng ta không tách ra, ví dụ bệnh nhân ở một khoa hiện tại là khoảng 120 người, mà chỉ có khoảng 70 giường, vậy là bắt buộc phải có 50 bệnh nhân nằm ghép, bây giờ chúng ta tổ chức thêm 1 đơn nguyên 50 giường nữa, chuyển số bệnh nhân nằm ghép này sang, và điều 1, 2 bác sĩ phụ trách, còn lại công việc cho Thu*c khám bệnh hàng ngày là của bác sĩ giúp việc (bác sĩ nội trú). Như vậy chúng ta giải được 2 bài toán, nằm ghép và không gian giảng dạy.
Sơ đồ khoa:
Trưởng khoa
Đơn nguyên 1 Đơn nguyên 2 Đơn nguyên 3
Mỗi đơn nguyên có
- 1-2 bác sĩ phụ trách: Chef Clinique.
- Các học viên chuyên khoa làm nhiệm vụ giúp việc (assistant)
- Phòng cận thủ thuật như: siêu âm, thăm dò chức năng là dùng chung cho các đơn nguyên lâm sàng của khoa.
- Bác sĩ phụ trách đưa ra quyết định quan trọng và làm các thủ thuật chuyên khoa sâu, đi buồng, giàng dạy v.v.
Thực hiện mô hình CHU (Viện-Trường) hoặc gần giống, có nghĩa là các bệnh viện có đủ điều kiện đều phải nhận bác sĩ nội trú và sinh viên, và là một phần của trường Đại Học Y. Hoặc mở rộng bệnh viện hiện tại theo hướng quy mô hơn, 1 khoa có rất nhiều đơn nguyên, rất nhiều giường bệnh, giống như 1 bệnh viện chuyên ngành thu nhỏ. Trong các khoa lâm sàng ở các bệnh viện như vậy, các bác sĩ đã được đào tạo đầy đủ đều phải có nhiệm vụ giảng dạy đồng thời với nhiệm vụ khám chữa bệnh.
Cuối cùng, nên chấm dứt việc
đào tạo bác sĩ chuyên tu.
Nói tóm lại: Chúng ta phải thực hiện đào tạo chuyên ngành đầy đủ trước khi cho bác sĩ ra hành nghề, đó là xu hướng tất yếu nếu ta không muốn tụt hậu và có nhiều sai lầm đáng tiếc về chuyên môn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, gây mất lòng tin của người bệnh.
Hồng Minh