Tâm sự hôm nay

Gần 200.000 doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, theo thống kê, cả nước hiện có trên 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động,
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, theo thống kê, cả nước hiện có trên 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên số doanh nghiệp có tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) mà BHXH Việt Nam đang quản lý chỉ có khoảng gần 200.000 đơn vị; số người tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ đạt 24,6% lực lượng lao động...

Nợ đọng bảo hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng chính sách an sinh xã hội

Thông tin của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/8/2015, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là trên 12.694 tỷ đồng, chiếm 6,78% so với số phải thu, tăng trên 1.132 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nợ BHXH hơn 8.969 tỷ đồng, nợ BHTN là 584,5 tỷ đồng và nợ BHYT trên 3.140 tỷ đồng (trong đó, ngân sách địa phương chưa chuyển chiếm 47% tổng số nợ). Trong số 200.000 doanh nghiệp có tham gia BHXH, BHYT, chỉ có khoảng chưa đầy 25% người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Mục tiêu đến năm 2020 đạt trên 50% số người lao động tham gia BHXH và trên 80% đối tượng tham gia BHYT trở nên khó có thể thực hiện được.

Cả nước hiện vẫn còn 20 địa phương có tỷ lệ nợ cao hơn tỷ lệ chung (6,78%) của ngành, bao gồm: Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Phú Yên, Bình Thuận, Phú Thọ, Nam Định, Bình Định, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lai Châu, Quảng Bình, Thái Nguyên, Hậu Giang, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Trà Vinh, Thái Bình và Sóc Trăng.

Kết quả thanh tra công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, toàn bộ 1.261 doanh nghiệp (DN) được thanh tra đều có hành vi chậm đóng  BHXH, BHYT. Tổng số nợ BHXH, BHYT (kể cả lãi chậm đóng) của 1.261 DN đến thời điểm thanh tra là 1.440,475 tỷ đồng; riêng 68 DN do Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra số nợ là gần 360 tỷ đồng...

Trước thực tiễn này, mới đây, BHXH Việt Nam và VCCI đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2015-2020. Tại lễ ký kết, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, VCCI sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT và giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, BHYT đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động. Đồng thời, VCCI sẽ tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp và người tham gia BHXH, BHYT về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều DN nợ đọng kéo dài. Nhiều DN đóng bảo hiểm cho người lao động thấp hơn mức lương thực trả. Nhiều DN trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT,... Tình trạng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, làm phương hại đến quyền và lợi ích của người lao động.

“Nợ BHXH không phải là nợ cơ quan BHXH, mà là nợ người lao động. DN thực hiện BHXH cho người lao động chính là làm tốt chính sách an sinh xã hội cho người lao động và cho tuổi già của họ”, bà Minh nhấn mạnh.

Giải bài toán nợ đọng bảo hiểm: Không dễ

Để khắc phục tình trạng nợ đọng, cơ quan BHXH đã áp dụng biện pháp để thu hồi như hòa giải, khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị, tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, theo đại diện Ban Pháp chế (BHXH Việt Nam), biện pháp này vẫn chưa hiệu quả, dù thắng kiện, cơ quan BHXH cũng khó đòi được nợ.

Trên thực tế, số DN nợ BHXH do khó khăn thực sự cũng có, nhưng hầu hết là cố tình dây dưa, trốn đóng. Khởi kiện, nhưng đòi được tiền BHXH cho người lao động sau kiện là chuyện khó khăn vô cùng. Nhiều đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện sau khi được tòa án hòa giải thành công với lộ trình trả nợ cụ thể, nhưng vẫn không thực hiện đúng cam kết với cơ quan BHXH. Hầu hết, kiện xong rồi, DN vẫn không chịu trả hoặc trả “nhỏ giọt”. Có DN thua kiện nhưng mấy năm sau vẫn chưa trả tiền, kiện đến lần thứ 2 vẫn không trả.

Được biết, hành vi trốn đóng bhxh, BHYT đã được đưa vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi và theo kế hoạch dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp này. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, các hình phạt được quy định trong dự thảo luật này đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm là phạt tiền (không phạt tù), nên yếu tố răn đe chưa cao.

Do đó, thời gian tới, để có thể nắm bắt, quản lý và yêu cầu chủ sử dụng lao động của hơn 200.000 DN còn lại thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; Đồng thời, hướng tới mục tiêu có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách BHXH, BHYT, bà Minh cho rằng, ngoài sự chủ động của ngành BHXH cũng rất cần sự vào cuộc và cùng chia sẻ trách nhiệm của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có cả vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...

Nguyễn Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-gan-200-000-doanh-nghiep-no-dong-tron-dong-bhxh-bhyt-19878.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY