Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Ít trẻ em gái không có nghĩa là đảm bảo hơn giá trị bình đẳng giới nữ

Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 3 trong nhóm các quốc gia Đông Nam Á và xếp thứ 43 trên thế giới.
Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 3 trong nhóm các quốc gia Đông Nam Á và xếp thứ 43 trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề mất cân bằng giới khi sinh tại nước ta từ năm 2006 đến nay lại có chiều hướng gia tăng, phức tạp.

Gia tăng nhanh và phức tạp

Thông tin tại Hội thảo chuyên đề hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2015 với chủ đề “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi” cho thấy, những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ số giới tính nhóm 0-4 tuổi không ngừng tăng cao, nghĩa là trẻ em trai ngày càng nhiều hơn trẻ em gái cùng nhóm tuổi. Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của năm 1999 là 107 bé trai/100 bé gái (mức “chuẩn an toàn”) tăng lên 110/100 năm 2006, từ đó đến nay không ngừng tăng lên. 4 tháng đầu năm 2015, tỷ số này ở ngưỡng 112,6 bé trai/100 bé gái. Trước đó, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong 12 tháng trước thời điểm ngày 1/4/2014 là 112,2/100.

TS. Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Theo số liệu Tổng cục Thống kê năm 2011, xét ở phạm vi vùng kinh tế - xã hội thì năm 2011, chỉ có 3 vùng còn ở ngưỡng “an toàn” (104-106/100) là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Theo báo cáo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ năm 2014, 6/6 vùng có tình trạng MCBGTKS, cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng (115), thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (108,5).

Theo BS. Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), TSGTKS ở Việt Nam đang ở mức cao, tăng nhanh và ngày càng lan rộng. Tình trạng MCBGTKS xảy ra cả ở thành thị và nông thôn.

BS. Phương cho rằng, tỉ số giới tính khi sinh cao ở ngay lần sinh thứ nhất cho thấy khát vọng có con trai của nhiều gia đình rất mãnh liệt và các bà mẹ đã sớm lựa chọn giới tính của con ngay lần mang thai đầu tiên. Điều này khác với các nước, thường có tỉ số giới tính khi sinh cao ở lần sinh cuối. Mức độ MCBGTKS cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế khá giả. Nguyên nhân trực tiếp được xác định, do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính như: áp dụng ngay từ lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn); hoặc khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối...) để chẩn đoán giới tính. Nếu là thai trai, họ để lại, nếu thai gái phá đi...

Tổng cục DS - KHHGĐ cũng cho biết, từ năm 2010 đến nay, toàn quốc cũng chỉ phát hiện được khoảng 5 trường hợp thông báo giới tính thai nhi, đều nhờ truyền thông phát hiện. Trong khi đó, theo kết quả Điều tra biến động DS - KHHGĐ 1/4/2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 83% phụ nữ 15 - 49 tuổi biết giới tính thai nhi. Qua đó cho thấy, tình trạng xác định giới tính thai nhi rất phổ biến, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” với vi phạm này.

Hệ lụy khó lường về xã hội, kinh tế, chính trị

Từ tình trạng gia tăng TSGTKS sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường về xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị... khi những em bé sinh ra những năm gần đây bước vào độ tuổi kết hôn (khoảng năm 2025). “Các nhà nghiên cứu dự báo, trong tương lai gần, chỉ khoảng 15-20 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ thiếu 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ” - ông Phương cho biết.

Theo các nhà xã hội học, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Sẽ diễn ra tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân. Ðiều này sẽ tác động ngược lại truyền thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) trong tương lai. Một tỷ lệ lớn nam giới độc thân sẽ không thể duy trì gia đình phụ hệ như trước đây. Một giải pháp tình thế được một số nước đang áp dụng, đó là kết hôn với người nước ngoài (còn gọi là nhập khẩu cô dâu) nhưng xem ra... khó bền vững.

Ngoài ra, việc gia tăng TSGTKS không những không cải thiện được vị thế của phụ nữ trong xã hội, gia đình, mà còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ cũng sẽ gia tăng...

Bài, ảnh: Tuệ Nguyễn

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-it-tre-em-gai-khong-co-nghia-la-dam-bao-hon-gia-tri-binh-dang-gioi-nu-19298.html)

Tin cùng nội dung

  • Tiêu chảy tức là đi ngoài nhiều hơn và ra phân lỏng. Việc không kiểm soát được có thể dẫn đến giảm cân, mất nước, kém ăn và sức khỏe yếu do tiêu chảy.
  • Ung thư và quá trình điều trị của căn bệnh này đôi khi có thể khiến người bệnh khó nuốt. Lời khuyên nào sẽ hữu ích giúp cải thiện tình trạng khó nuốt cho trẻ
  • Xạ trị vào bụng, ngực, não, hoặc xương chậu có thể gây ra buồn nôn kéo dài trong vài giờ. Buồn nôn và nôn có thể đi từ nhiều nguyên nhân khác nữa.
  • Chứng mệt mỏi trong ung thư là luôn có cảm giác mệt suốt ngày và không dễ cải thiện sau khi nghỉ ngơi. Cần tham khảo tư vấn chuyên gia để có phương pháp chăm sóc tốt nhất
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY