Thuốc dùng ngày Tết
Ngày Tết là khoảng thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí và đi thăm chúc Tết bạn bè, bà con. Vì vậy mọi người từ già đến trẻ cần phải giữ sức khoẻ cho thật tốt.
Tuy nhiên, do ăn uống nhiều với những loại thực phẩm khác hơn ngày thường, không ít người còn thức khuya nữa nên khó tránh khỏi một vài rối loạn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đó là lý do mỗi gia đình cần chuẩn bị trong nhà một số Thuốc để phòng ngừa như sau:
Thường thì nên dự trữ đủ trong 3 ngày tết, tuy nhiên năm nay mọi người được nghỉ đến 9 ngày nên cần dự trữ thêm trong thời gian 9-10 ngày.
Thuốc giảm đau hạ sốt: Nên dự trữ paracetamol (hay còn gọi là acetaminophen) ở dạng viên nén, sủi hay đặt hậu môn (dành cho trẻ). Thuốc này dùng để trị đau nhức, cảm sốt. Liều lượng như sau: Trẻ dưới 3 tuổi không được dùng quá 5mg/kg cân nặng/ngày; trẻ 5-8 tuổi không quá 7,5 mg/kg/ngày; trẻ 10-15 tuổi không quá 10mg/kg/ ngày, người lớn không quá 3g/ngày. Không được dùng acetaminophen ở người bị suy gan, suy thận. Ngoài ra, đã dùng acetaminophen thì không được uống bia rượu, không được dùng các loại Thuốc như isoniazid (chống lao ), carbamazepin (trị động kinh), phenobarbital (chống co giật).
Trường hợp cảm sốt có thể dùng nồi xông như sau: Chuẩn bị 2 nắm lá xông chứa tinh dầu gồm lá sả, lá bưởi, lá ngải cứu, lá chanh… cho vào nồi nước nấu sôi là dùng được. Sau đó ăn tô cháo giải cảm, gồm cháo trắng thêm tía tô, kinh giới, vài lát gừng tươi, hành tiêu.
Thuốc trị tiêu chảy: Nên có gói Oresol pha với nước uống nhằm bù nước và chất điện giải khi bị tiêu chảy nhiều, đặc biệt dùng cho trẻ bị tiêu chảy. Nếu không có gói Oresol, có thể pha dung dịch muối đường như sau: 1 muỗng cà phê (gạt bằng) muối ăn, 8 muỗng cà phê (gạt bằng) đường cát, pha trong 1 lít nước rồi đun sôi để nguội. Nếu trẻ bị tiêu chảy kèm nôn ói, sốt thì nên đưa trẻ đi bệnh viện chứ đừng tự chữa ở nhà.
Đối với người lớn có thể dùng Smecta và Loperamid. Với smecta, liều dùng là 3 gói/ngày, uống xa bữa ăn. Còn loperamid có liều dùng 3-4 viên/ngày, không nên dùng ở bệnh nhân lỵ, tổn thương gan, bụng chướng, phụ nữ có thai.
Kinh nghiệm dân gian chữa như sau: Một, nếu tiêu chảy do ăn uống đồ sống lạnh, dùng búp ổi 40g, củ sả 30g, vỏ quýt 12g, củ riềng 12g, sắc uống ngày vài lần. Hai, nếu tiêu chảy do nắng nóng hay do ăn thức ăn ôi thiu, dùng búp ổi 20g, lá lốt 40g, củ riềng 12g, sắc uống ngày 2-3 lần.
Dùng Thuốc kháng acid có chứa chất chống đầy hơi simethicon như Maalox Plus, Mylanta 2, hoặc Thuốc làm tăng nhu động dạ dày- ruột như Metoclopramid (không dùng ở người bị động kinh, chảy máu dạ dày-tá tràng, hen, tăng huyết áp. Liều dùng: 5mg/lần, 3 lần/ngày). Cũng có thể chế sẵn rượu gừng tươi bằng cách lấy khoảng 5g củ gừng phơi khô, tán nhuyễn, ngâm trong 100ml rượu đế. Mỗi lần ăn uống khó tiêu, đầy hơi, uống 1 muỗng cà phê. Hoặc nếu có sẵn gừng, xắt lát một củ cho vào nước trà nóng uống để giảm bớt triệu chứng khó chịu này.
Nếu do thức ăn hay vì một lý do nào đó mà nổi mày đay, ngứa ngáy thì có thể dùng Loratadin là Thuốc kháng histamin. Liều lượng: 1 viên 10mg/ngày. Nếu không có Thuốc sẵn, có thể uống nước sắc chứa 50g lá tía tô, 20g gừng tươi nấu trong ½ lít nước, sắc còn một nửa, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Nếu say rượu nhẹ nên uống cà phê hoặc trà đậm vốn là các chất kích thích đối kháng với tác dụng của rượu. Sau khi uống thì nằm nghỉ. Nếu say nhiều đến mức ói mửa thì uống nước trà chanh pha đường, muối, hoặc uống nước đậu xanh xay nát (còn cả vỏ).
Mạng Y Tế