Người cao tuổi hôm nay

Chăm sóc người cao tuổi

Bệnh sởi ở trẻ em

Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virút gây ra và dễ bùng phát thành dịch, rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhũ nhi vì sức đề kháng của trẻ còn yếu kém.

Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường hô hấp, nên khả năng lây lan rất nhanh theo diện rộng và dễ dàng lan truyền từ những người đi du lịch quốc tế. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có 30 - 40 triệu trường hợp mắc và có khoảng 750.000 trường hợp Tu vong, chủ yếu là trẻ em.

Tiêm phòng ngừa sởi ở trẻ em

Nhận biết nguyên nhân và triệu chứng

Tác nhân gây bệnh sởi là virút thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virút cấp tính. Sởi lan truyền do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Sự lan truyền từ người bệnh đến người lành có thể xảy ra khi người lành hít phải những giọt không khí có virút sởi sau khi người bệnh xả ra 2 tiếng đồng hồ. Người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác trước và sau vài ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh.

Khi bị nhiễm sởi, sau giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng 7 ngày - 2 tuần, bệnh nhân thường có những triệu chứng thường gặp sau đây:

- Lúc mới khởi bệnh trẻ thường bị sốt cao, khi dấu hiệu sốt thuyên giảm sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phát ban đặc trưng của sởi.

- Ban sởi rất đặc trưng: lúc đầu ban nổi ở sau tai, sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và lan ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.

- Ngoài ra, trẻ bị mắc sởi thường có một số triệu chứng kèm theo như: chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt, đôi khi trẻ bị tiêu chảy vì tình trạng viêm long đường tiêu hóa.

Những biến chứng thường gặp

Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng do bệnh gây ra. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh. Những biến chứng thường gặp khi mắc bệnh sởi được ghi nhận tại các cơ sở y tế trong những năm qua cụ thể như sau:

- Biến chứng thường gặp nhất là viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.

- Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến Tu vong.

- Viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi.

- Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.

- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.

- Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

- Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.

Chăm sóc trẻ nhiễm sởi đúng cách tại nhà

Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, điều quan trọng cần chú ý là thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnhphải rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, rồi mới được chăm sóc trẻ lành.

Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ.

Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi.

Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

Trong trường hợp đã có tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Tuy nhiên, đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và ít phổ biến.

Ngoài ra, một phương pháp phòng ngừa vô cùng hiệu quả và an toàn là sử dụng vắc-xin để tiêm ngừa cho trẻ.

Thực hiện chủ động việc tiêm ngừa bệnh sởi

Phòng bệnh bằng vắc-xin được khuyến cáo khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (gọi tắt là EPI).

Tuy nhiên theo, các nhà khoa học, việc tiêm một mũi vắc-xin duy nhất không đủ tạo ra miễn dịch bền vững và rộng rãi trong cộng đồng vì tỉ lệ trẻ tiêm phòng bệnh bị “sót” cũng như tỉ lệ được miễn dịch của vắc-xin này cũng chỉ đạt ở mức 90%. Do vậy, cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2 lúc trẻ được 18 tháng tuổi, việc tiêm liều thứ 2 có thể tạo miễn dịch đạt tới 99%.

Từ chiến dịch tiêm chủng mở rộng được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước, đến nay tỉ lệ mắc bệnh sởi ở Việt Nam đã giảm một cách rõ rệt. Ngành Y tế nước ta đã đặt ra mục tiêu, phấn đấu sẽ đạt được tỉ lệ mắc sởi chỉ còn 80 - 85 trường hợp mắc sởi mỗi năm vào năm 2012, đây là yêu cầu đặt ra khi thực hiện việc thanh toán bệnh sởi trong cộng đồng.

Vắc-xin sởi đã được chứng minh hiệu quả bảo vệ cao sau khi tiêm ngừa, hơn 90% trẻ tiêm ngừa được bảo vệ phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, đây là một vắc-xin rất an toàn vì rất hiếm hoặc hầu như không có trường hợp nào xảy ra phản ứng nghiêm trọng sau tiêm ngừa.

ThS.BS. ĐINH THẠC (BV. Nhi Đồng 1 - TP.HCM)

Dinh dưỡng cho trẻ sau cai sữa Cách chăm sóc trẻ sơ sinh Giảm đau lưng khi mang thai

(Mangyte cuối tuần)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/benh-soi-o-tre-em-n22306.html)

Tin cùng nội dung

  • Xạ trị vào bụng, ngực, não, hoặc xương chậu có thể gây ra buồn nôn kéo dài trong vài giờ. Buồn nôn và nôn có thể đi từ nhiều nguyên nhân khác nữa.
  • Chứng mệt mỏi trong ung thư là luôn có cảm giác mệt suốt ngày và không dễ cải thiện sau khi nghỉ ngơi. Cần tham khảo tư vấn chuyên gia để có phương pháp chăm sóc tốt nhất
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Sởi là một bệnh nhiễm trùng ở trẻ em do virus gây ra. Trước đây bệnh sởi khá phổ biến, ngày nay bệnh sởi có thể được phòng ngừa bằng vaccine (vắcxin). Các triệu chứng của bệnh sởi bao gồm ho, sổ mũi, mắt đỏ, đau họng, sốt và phát ban đỏ dạng đốm rải rác toàn thân.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào ? Những ai có nguy cơ mắc bệnh ? Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào ? Cách chuẩn đoán và phòng ngừa bệnh sởi ?
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY