Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Bệnh viện bạn hữu trẻ em - Thay đổi đem lại sức sống mới

Bệnh viện bạn hữu trẻ em triển khai tại Việt Nam từ năm 1994, đến nay cần có sự thay đổi để đem lại một sức sống mới cho chiến lược này...

Bệnh viện bạn hữu (BVBHTE) là một chiến lược toàn cầu được khởi xướng năm 1991 bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về nuôi dưỡng trẻ nhỏ, nhằm giúp mọi sinh ra có một khởi đầu tốt đẹp, được chăm sóc sức khỏe tốt và nuôi con bằng sữa mẹ được coi là giải pháp trọng yếu.

Tại Việt Nam, BVBHTE được triển khai từ năm 1994 trên cơ sở các chuyên khoa sản - nhi công lập và tư nhân với tinh thần tự nguyện và được sự tài trợ từ bên ngoài, ví dụ như UNICEF. Qua hơn 20 năm thực hiện, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, đóng góp cho việc tổng kết và hướng dẫn sửa đổi của WHO trên toàn cầu về triển khai hiệu quả BVBHTE nói chung cũng như chương trình nuôi con bằng sữa mẹ nói riêng.

Hướng dẫn bà mẹ sau sinh cho con bú đúng cách.

Đánh giá hoạt động BVBHTE khoảng hơn 10 năm trước ở Việt Nam của UNICEF là rất thấp. Có rất nhiều khó khăn trở ngại, từ việc các bệnh viện thường xuyên quá tải, nhân viên y tế cảm thấy việc đã nhiều lại thêm các hoạt động BVBTE là chất thêm gánh nặng cho họ, đến việc vận động nuôi con bằng sữa mẹ trên thực tế đã động chạm tới quyền lợi của nhiều bên. Tại nhiều bệnh viện, hoạt động tiếp thị và tư vấn cho phụ nữ đi khám thai, sản phụ của các hãng sữa rất tích cực và công khai. Hơn nữa, chính nhận thức của sản phụ và người nhà cũng còn nhiều ngộ nhận sai lầm, gần 90% sản phụ mang theo sữa bột khi đi đẻ để cho bé ăn sau khi chào đời, nhiều người vẫn tin rằng trẻ ăn sữa bột (sữa công thức) bụ bẫm hơn bú sữa mẹ, chưa kể có bà mẹ không muốn cho con bú vì giữ dáng, vì đặt túi ngực thẩm mỹ... Theo điều tra của UNICEF (năm 2010), các thực hành nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam là rất thấp, tỷ lệ cho con bú giờ đầu sau khi sinh chỉ 60%, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn chỉ có 17%, tỷ lệ mổ đẻ cao...

Tính chất tự nguyện cùng nhiều trở ngại nói trên đã khiến cho BV BHTE có tiếng mà không có thực chất. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Chính phủ và Bộ Y tế ra một loạt các quy định về thực hiện BV BHTE. Mở đầu là Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Tiếp theo đó, Thông tư số 38/2016/TT-BYT ngày 31/10/2016 quy định một số biện pháp thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có Mười điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ. Thông tư này cũng ghi rõ, việc công nhận Danh hiệu “Bệnh viện bạn hữu trẻ em” là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ và là căn cứ để xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng hằng năm của các bệnh viện. Như vậy, BVBHTE đã trở thành tiêu chí bắt buộc và được đưa vào hệ thống y tế, lồng ghép trong các tiêu chí chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em đã tham mưu cho Bộ Y tế để ra các quyết định liên quan đến hướng dẫn chuyên môn lồng ghép BVBHTE trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như ban hành Hướng dẫn quốc gia về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (năm 2016), tài liệu Hướng dẫn chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (2014), Hướng dẫn chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai (2016)...

Những nỗ lực nói trên về quản lý nhà nước đã đem lại hiệu quả trong triển khai BVBHTE, giúp tỷ lệ trẻ được bú sớm sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đã tăng lên, các bà mẹ nhận thức tốt hơn về nuôi con bằng sữa mẹ sẽ đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe của trẻ cũng như lợi ích kinh tế.

Thành tựu còn khiêm tốn của BVBHTE không chỉ ở Việt Nam mà là trên toàn cầu, do đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã vài lần đưa ra các sửa đổi và hướng dẫn triển khai BVBHTE. Hướng dẫn sửa đổi lần này của WHO có đóng góp đáng kể của Việt Nam dựa trên các hoạt động hiệu quả kể trên. WHO nhận thấy để đảm bảo tính bền vững của BVBHTE phải tích hợp hoạt động này vào trong hệ thống y tế và vai trò của một cơ quan điều phối quốc gia về BVBHTE dưới sự lãnh đạo, giám sát của chính phủ là rất quan trọng. Trách nhiệm quốc gia được nhấn mạnh đi kèm với chế tài khuyến khích và khen thưởng. Nhiều quy định hỗ trợ cần được đưa vào luật như việc Việt Nam đã xây dựng và ban hành có hiệu lực Luật quảng cáo/ tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ... Hướng dẫn sửa đổi được xem là đem lại “sức sống” mới cho BVBHTE.

Tại Hội thảo Tăng cường thực hiện BVBHTE diễn ra tại Hà Nội mới đây do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với WHO tổ chức đã chỉ ra BVBHTE còn rất nhiều thách thức, khó khăn tuy nhiên với quyết tâm cao của chính phủ cũng như chính quyền địa phương, lãnh đạo các bệnh viện, các khó khăn hy vọng sẽ dần được tháo gỡ.

Lê Minh Thúy

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-ban-huu-tre-em-thay-doi-dem-lai-suc-song-moi-n156935.html)

Tin cùng nội dung

  • Ung thư và quá trình điều trị ung thư sẽ làm thay đổi khẩu vị. Nên chọn các thực phẩm giàu đạm và trình bày đẹp mắt để giúp cho khẩu vị ngon hơn
  • Vị giác có thể phục hồi một phần hay hoàn toàn sau khi ngừng điều trị khoảng 1 năm. Súc miệng bằng nước súc miệng tự pha trước khi ăn giúp tăng vị giác
  • Giúp đỡ người cao tuổi đối diện với những thay đổi lớn trong cuộc sống. Nếu bạn là người chăm sóc người cao tuổi hoặc nếu bạn dành nhiều thời gian cho người cao tuổi, hãy học cách giúp họ đối diện với sự mất mát.
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Viêm thanh khí phế quản là một bệnh thông thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí làm cho trẻ khó thở. Thường biến ở trẻ biết đi và tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY