Một cuộc hôn nhân có thể kết thúc, nhưng mối quan hệ cha con làm sao mà kết thúc được. Tôi đã nghĩ như vậy khi ly hôn, thế nhưng sự vô trách nhiệm của chồng cũ khiến tôi phải định nghĩa lại nhiều khái niệm sống.
Lúc ra toà, chuyện chu cấp cho con ăn học, tôi không yêu cầu gì, vì muốn anh tự nguyện. Tôi đã mong anh có thể không là người chồng tốt, nhưng sẽ là một người cha tốt. Ấy vậy mà tôi nhầm to. Hơn một năm qua, sự thăm viếng các con cứ thưa dần, thưa dần. Lý do thì tôi không rõ lắm, nhưng tôi không hề làm khó dễ anh.
Những lần cha con gặp nhau, theo lời bọn trẻ, đều có điện thoại giục dã anh liên tục. Có khi anh bực mình với các con khi chúng muốn ở bên cha lâu hơn. Nghe các con kể lại, sự khó chịu trong tôi mỗi ngày một lớn, nhưng vì con, tôi chịu đựng, chứ không ý kiến hay cấm cản gì các cuộc gặp.
Rồi dịch bệnh đến, anh có lý do hạn chế ra ngoài nên không gặp con được. 3 tuần giãn cách xã hội thì cũng đúng thôi, nhưng suốt 3 tháng thì cũng quá đáng. Đến giờ, cả 2 con đều đã đi học lại, anh cũng chẳng nhắn tin hay gọi hỏi thăm con được một lần. Không chỉ vậy, hồi sinh nhật cậu con lớn, một cuộc điện thoại cho con cũng không có, nói gì đến quà.
Về chuyện tiền nong, nghĩ tới là tôi ấm ức không biết tỏ bày cùng ai. Suốt một năm ly hôn, tôi giữ lòng tự trọng nên chưa từng nhắc gì đến tiền cấp dưỡng các con. Nhưng ngoài những cuộc gặp tụi nhỏ bên, dẫn chúng đi ăn, mua bánh kẹo (chẳng đáng là bao), anh chẳng bao giờ đưa tôi một đồng.
Tôi phải gồng gánh nuôi con một mình với đồng lương nhân viên chưa tới 10 triệu mỗi tháng. Nhà cũ chưa bán được, anh cũng không muốn cho ba mẹ con ở, mà tôi cũng không muốn anh diện lý do là nhà chung mà ngang nhiên lui tới. Thế nên tôi dắt hai con ra ngoài thuê nhà, từ tiền thuê nhà, tiền học con, tiền sữa, tiền ăn, tiền quần áo… tất tần tật một tay tôi lo.
Để chu toàn các khoản chi đó, tôi buộc phải làm thêm, đến mức cô bạn thân sợ rằng tôi gục ngã. Tôi nhận các sổ sách của cửa hàng, công ty nhỏ về báo cáo thuế, tài chính cho họ. Sáng đi làm việc công ty, chiều về đón hai con, chăm sóc chúng, đến khuya tôi thức làm thêm để trang trải cuộc sống.
Vậy mà, chồng cũ tôi anh cứ nhởn nhơ như hai đứa con của ai chứ chẳng phải con của mình. Mà đâu phải anh không có tiền cho cam. Anh đi làm nhà nước, cứ 4g30 là xách cặp đi về, lương thì vẫn đủ để chi tiêu, chẳng hiểu sao lại "quên" đóng tiền học cho.
Giá mà anh có trách nhiệm để cuộc sống mẹ con tôi dễ chịu. Ảnh minh họa |
Tôi từng thấy nhiều người cha dù mình vất vả cũng muốn con có tấm áo đẹp đẽ, có những thứ mà chúng bạn của con có. Như cha tôi chẳng hạn, ngày mất đi, nhìn những ngón tay ông bị nước ăn do nhà tôi bán quán, lúc nào cũng phải rửa chén, rửa rau… mà nước khu tôi bị phèn, ai cũng bị nước ăn do nấm. Đến tận lúc ông mất, cũng chỉ có vài bộ đồ, trong khi đó, tôi và mẹ thì quần áo chật ních tủ.
Cha tôi mất sớm, nhưng ông luôn hiện diện trong mọi sự kiện đời sống của tôi, suốt nhiều năm dài. Còn con tôi, dù cha chúng sống sờ sờ ra đó, nhưng cuộc sống của chúng mỗi ngày trôi qua không hề có chút dấu ấn nào của anh.
Con tôi rất ít khi nhắc đến cha và chẳng còn cảm giác nhớ nhung anh nữa. Thiệt thòi cho con và cũng thiệt cho anh biết bao nhiêu...