Tâm sự hôm nay

Ước nguyện đầu năm của bác sĩ

Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, hãy lắng nghe tâm sự, ước nguyện đầu năm chân tình của một bác sĩ, thay cho tiếng nói của những người đang làm nghề y

bác sĩ - họ cũng là con người bình thường, cũng muốn được nghỉ ngơi vào ngày Tết nhưng vì công việc, vì bệnh nhân họ không thể về nhà đêm 30, không được đón giao thừa cùng người thân. Ngoài việc chữa bệnh, họ cũng có nhiều trăn trở về chính công việc của mình, làm sao để mang đến điều tốt nhất cho người bệnh.

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ, hãy lắng nghe tâm sự, mong muốn chân tình của những người đang làm nghề y:

Ca trực đêm 30

Không phải chỉ khách tha hương mới nhớ về cố quận, không phải ai ăn Tết xa nhà mới gọi là trải qua “Xuân viễn xứ”. Nhân viên ngành y cũng trải qua nhiều cái Tết xa nhà mặc dù không… đi đâu xa.

Ngày nay, có nhiều phản ánh của người dân về y đức nhưng tôi nghĩ đấy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Đại đa số các thầy Thu*c, nhân viên y tế đã, đang và sẽ ngày đêm cống hiến hết sức cho nghề. Chỉ cần nhìn vào phiên trực của nhân viên y tế mới thấu hiểu được những hy sinh thầm lặng của họ cho người bệnh thế nào.

Nhiệm vụ bắt buộc

Trực đêm là nhiệm vụ bắt buộc của mọi nhân viên y tế, nhất là tại bệnh viện, trung tâm y tế, trạm xá… Không chỉ diễn ra trong ngày thường mà cả trong dịp lễ, Tết. Phiên trực là ca làm việc ngoài giờ hành chính, từ 16h hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Nếu là ngày cuối tuần, lễ, Tết, ca trực sẽ bắt đầu từ 7h sáng hôm trước đến 7h sáng hôm sau.

Nhiệm vụ của ca trực là giải quyết tất cả công việc chuyên môn và quản lý của bệnh viện, vì người bệnh đâu có chọn giờ để bệnh; T*i n*n, cấp cứu đâu chỉ xảy ra trong giờ hành chính. Nhân viên ca trực cũng gồm các nhân sự như giờ hành chính, chỉ giảm số lượng. Bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, dược sĩ, hộ lý, nhân viên bảo trì, lái xe, bảo vệ, nhân viên kế toán, tổng đài điện thoại…

Phiên trực nào nhân viên y tế cũng phải làm việc căng thẳng, mệt mỏi nhưng trực ngày lễ, Tết càng đặt biệt hơn vì ngoài những căng thẳng công việc, họ còn nhiều mối lo toan gia đình thật khó tả. Ấn tượng hơn cả vẫn là phiên trực ngày 30 Tết âm lịch.

Đã nhiều năm, tua trực ở khoa Hồi sức Cấp cứu của tôi cứ rơi đúng vào ngày 30 Tết. Do đó, thay vì ở nhà trang trí đón xuân, từ sáng sớm chúng tôi phải vào bệnh viện nhận trực. Không khí ngoài đường ngày 30 rộn ràng, sôi động bao nhiêu thì trong bệnh viện lại trầm lắng bấy nhiêu. Bước chân vào cổng bệnh viện là phải gạt chuyện gia đình sang một bên, thế nhưng ai cũng tự hỏi giờ này con đang làm gì? Vợ (Chồng) đang làm gì? Nhà cửa chuẩn bị đến đâu? Hoa quả bánh trái đã bày biện thế nào? Mâm cúng rước tổ tiên chiều 30 như thế nào?...

Đây là cảnh ở gần nhà mà lại xa nhà, Tết mà không sum họp được với gia đình, phải hy sinh cả ngày đón giao thừa để làm nhiệm vụ. Các cô, các chị trong tua trực tranh thủ lúc xong việc điện thoại về nhà nhắc con, nhờ mẹ làm chuyện này, chuyện nọ, đi chợ mua món gì… Nhóm trực có cảm giác như đang lênh đênh trên con tàu xa đất liền, ai cũng hướng về gia đình mà lo lắng, vui buồn lẫn lộn.

Ngày 30 Tết trong bệnh viện là ngày dài nhất trong năm với các nhân viên trong tua trực. Cứ từng thời khắc trôi qua, họ lại bồn chồn hồi hộp, lo âu đủ chuyện: lo việc nhà, lo cho bệnh nhân trở nặng. Chiều cuối năm, trong gia đình bỗng thiếu đi một thành viên, buồn lắm chứ… nhất là vào thời điểm gia đình hoàn tất mâm cỗ chiều ba mươi, chúng tôi lại ăn bánh mì thay cơm vì căn-tin đã… nghỉ Tết.

Giao thừa trong bệnh viện

Tôi chợt nhớ bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử có 2 câu: Khách xa gặp lúc mùa Xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng, thật giống tâm trạng chúng tôi, chiều 30 Tết có kẻ nào xa nhà mà không nhớ…

Rồi thời khắc giao thừa cũng đến, trong góc phòng mâm hoa quả cúng đã được bày ra, thắp hương nghi ngút. Nếu không bận việc chuyên môn, ai cũng tranh thủ chúc Tết lẫn nhau, bày bánh mứt, hạt dưa để tiếp khách. Dù là trong bệnh viện nhưng không khí đón Xuân vẫn ngập tràn, một cảm giác buồn vui lâng lâng khó tả.

Có phiên trực, bệnh nhân trở nặng khó qua khỏi nên người nhà xin về. Thật đau lòng khi nhìn họ lầm lũi đi qua dãy hành lang dài hun hút để làm thủ tục xuất viện, họ biết khi người thân về đến nhà là sẽ trút hơi thở cuối cùng nhưng như vậy còn hơn mất trong bệnh viện xa lạ lạnh lẽo.

Có phiên trực, chúng tôi phải làm thủ tục cho nhận xác về quê, tiếng khóc ai oán xé lòng lẫn trong tiếng pháo giao thừa khiến chúng tôi nghẹn ngào. Mùa Xuân đem đến niềm vui nhưng đôi khi cũng gắn với nỗi buồn của gia đình người xấu số...

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu,

Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi TP. HCM

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-uoc-nguyen-dau-nam-cua-bac-si-8430.html)
Từ khóa: bác sĩ

Chủ đề liên quan:

bác sĩ

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY