Pháp luật hôm nay

Đề nghị truy tố 2 bị can mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, đề nghị Viện KSND TP Hà Nội truy tố hai bị can về tội mua bán trẻ em.
Theo đó, hai bị can bị đề nghị truy tố là Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, trú huyện Yên Khánh, Ninh Bình). Theo kết quả điều tra, tháng 7/2014, Công an Hà Nội nhận được đơn tố giác của anh Nguyễn Thành Long (trú tại Hà Nội) đề nghị làm rõ nghi ngờ việc chùa Bồ Đề đã đem bán cháu Cù Nguyên Công (thường gọi là Lãi, anh Long nhận làm cha đỡ đầu).

Qua điều tra, cơ quan công an xác định, cháu Công sinh ngày 25/10/2013, là con của chị Trần Thị Thu Hà (quê Phú Thọ) và anh Vũ Xuân Trường (quê Tuyên Quang). Hai người sống với nhau như vợ chồng và có thai ngoài ý muốn nên đã gửi cháu vào chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.

Tháng 1/2014, cháu Công được đưa ra khỏi chùa và bán cho Phạm Thị Nguyệt với giá 35 triệu đồng. Tại nơi ở của Nguyệt, cơ quan điều tra còn phát hiện hai cháu bé Phạm Đức Anh (sinh năm 2012) và Phạm Gia Hân (tức Trần Vũ Gia Hân, sinh năm 2013).

Dựng lại toàn bộ quá trình xin con nuôi, mua bán trẻ em và xin cấp giấy chứng sinh giả, từ năm 1999, Nguyệt sống như vợ chồng với anh Phạm Văn Hữu (trú tại Phú Xuyên, Hà Nội).

Nguyệt đã bị cắt buồng trứng, không còn khả năng sinh con, vì muốn gắn kết tình cảm với anh Hữu nên nảy sinh ý định xin trẻ sơ sinh về nuôi. Tháng 3/2012, Nguyệt nói dối anh Hữu là có thai. Do anh Hữu làm tài xế taxi, không có điều kiện chăm sóc và đưa Nguyệt đi khám thai nên tin đó là sự thật.

Đến tháng 12/2012, Nguyệt nói với anh Hữu là đi sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khi anh Hữu đến đón thì thấy Nguyệt bế một cháu bé ngồi ở cổng. Anh Hữu đặt tên cho cháu là Phạm Đức Anh. Thực chất cháu Phạm Đức Anh tên thật là Nguyễn Thế Huy, con của chị Nguyễn Tố Uyên (trú tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội), do Nguyệt xin về nuôi.

Sau một thời gian, Nguyệt và anh Hữu mâu thuẫn nên Nguyệt chuyển đến sống chung với anh Nguyễn Văn Vũ tại một căn nhà khác ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mặc dù về ở với anh Vũ nhưng Nguyệt vẫn có quan hệ T*nh d*c với anh Hữu và tiếp tục bịa ra một lần sinh con thứ hai.

Theo đó, tháng 9/2013, Nguyệt báo với anh Hữu đã sinh đôi một trai một gái, đặt tên là Phạm Gia Bảo, Phạm Gia Hân. Vì vậy, anh Hữu thường xuyên gửi tiền nuôi hai cháu này.

Trong quá trình đi lễ tại chùa Bồ Đề, Nguyệt biết Nguyễn Thị Thanh Trang nên đã nhờ Trang tìm một cháu bé làm con nuôi và hứa sẽ bồi dưỡng cho Trang. Khi nhà chùa nhận nuôi cháu Cù Nguyên Công, Trang đã gặp chị Hà và đặt vấn đề xin con để nuôi.

Tháng 12/2013, Trang nói với chị Hà có chị dâu của Trang muốn nhận cháu bé về nuôi. Sau đó, Trang nhờ một người giả làm chị dâu, hướng dẫn người này khi gặp Hà sẽ nói chuyện xin con nuôi và bố trí cho hai người gặp nhau. Sau đó, Trang tiếp tục hướng dẫn chị Hà đến chùa Bồ Đề viết đơn xin lại con với mục đích đưa cháu Cù Nguyên Công ra khỏi chùa.

Cùng thời điểm này, Trang liên lạc với Nguyệt nói đã tìm được cháu bé và nếu Nguyệt nhận nuôi thì phải bồi dưỡng tiền cho mẹ cháu bé 40 triệu đồng. Nguyệt đồng ý và nói dối anh Nguyễn Văn Vũ là con ốm phải vào viện cấp cứu mất 40 triệu đồng để anh Vũ vay tiền cho mình.

Đến ngày 1/1/2014, Trang hẹn chị Hà đến chùa Bồ Đề để làm thủ tục đưa cháu ra khỏi chùa và nhờ mẹ đẻ đến đón chị Hà cùng cháu bé về nhà mình. Ngày 2/1/2014, Nguyệt đến nhận cháu Công và đưa cho Trang 35 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Trang đã chuyển vào tài khoản của chị Hà 10 triệu đồng, còn 25 triệu đồng giữ lại chi tiêu cá nhân. Cháu Cù Nguyên Công được Nguyệt đặt tên là Phạm Gia Bảo.

Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyệt đã nhận nuôi cháu Phạm Gia Hân (con chị Vũ Hậu Giang, trú tại Thái Bình). Nguyệt nói với anh Nguyễn Văn Vũ rằng Phạm Gia Bảo và Phạm Gia Hân là anh em sinh đôi và là con đẻ của anh Vũ với Nguyệt.

Sau khi mua được cháu Cù Nguyên Công, quá trình Nguyệt nuôi dưỡng, cháu Công bị bệnh sởi nên ngày 21/6/2014 Nguyệt đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Do biết bệnh viện có chế độ ưu đãi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi được giảm viện phí nên Nguyệt thông qua chị họ là nhân viên y tế tại Kim Sơn, Ninh Bình xin cấp giấy chứng sinh cho cháu Công với tên là Phạm Gia Bảo, cháu Trần Vũ Gia Hân lấy tên là Phạm Gia Hân để làm thủ tục khai sinh cho các cháu. Tuy nhiên, do bệnh quá nặng nên cháu Phạm Gia Bảo đã mất ngày 24/6/2014.

Cơ quan công an còn làm rõ Nguyệt nhận nuôi cháu Phạm Việt Anh (con chị Nguyễn Thị Hồng ở Thanh Hóa). Cháu Việt Anh được Nguyệt khai sinh bằng cách nhờ Trần Thị Nguyệt, Lê Thị Tú Anh (đều là nhân viên Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình) xin giấy chứng sinh. Tuy nhiên, trường hợp này Nguyệt chỉ nuôi một thời gian ngắn rồi chị Hồng đã xin nhận lại con.

Cơ quan điều tra xác định các trường hợp cấp giấy chứng sinh cho Nguyệt không được hưởng lợi, không có thỏa thuận bàn bạc nên không có sự đồng phạm với Nguyệt, chỉ cần xử lý hành chính.

Đối với hai người “chồng hờ”, cả hai đều không liên quan đến việc mua bán trẻ em của Nguyệt. Quá trình điều tra, anh Hữu đã yêu cầu Nguyệt phải bồi hoàn số tiền 201 triệu đồng, anh Vũ yêu cầu Nguyệt bồi hoàn 40 triệu đồng là số tiền Nguyệt đã lấy để nuôi các cháu bé.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-de-nghi-truy-to-2-bi-can-mua-ban-tre-em-tai-chua-bo-de-5514.html)

Tin cùng nội dung

  • Tiêu chảy tức là đi ngoài nhiều hơn và ra phân lỏng. Việc không kiểm soát được có thể dẫn đến giảm cân, mất nước, kém ăn và sức khỏe yếu do tiêu chảy.
  • Ung thư và quá trình điều trị của căn bệnh này đôi khi có thể khiến người bệnh khó nuốt. Lời khuyên nào sẽ hữu ích giúp cải thiện tình trạng khó nuốt cho trẻ
  • Xạ trị vào bụng, ngực, não, hoặc xương chậu có thể gây ra buồn nôn kéo dài trong vài giờ. Buồn nôn và nôn có thể đi từ nhiều nguyên nhân khác nữa.
  • Chứng mệt mỏi trong ung thư là luôn có cảm giác mệt suốt ngày và không dễ cải thiện sau khi nghỉ ngơi. Cần tham khảo tư vấn chuyên gia để có phương pháp chăm sóc tốt nhất
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY