Có một bệnh không phải ở đường hô hấp nhưng vẫn gây ra triệu chứng ho và nó đã làm cho bác sĩ rất dễ bỏ qua nguyên nhân này. Vì thế, thời gian điều trị kéo dài nhưng bệnh vẫn không sao hết bệnh. Đó là ho do chứng trào ngược dạ dày - thực quản.
Ho là một phản xạ xuất hiện đột ngột và thường lặp đi lặp lại, có tác dụng tống xuất các chất bài tiết, các chất có thể gây kích thích ở
đường hô hấp, các loại khói bụi từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào và vi khuẩn, virút gây bệnh bám vào
đường hô hấp.
Ho do trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease-GERD) còn gọi là viêm thực quản trào ngược là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày như: HCl, pepsine, dịch mật… lên niêm mạc thực quản làm cho viêm tấy, gây bỏng nhẹ niêm mạc họng - thực quản và gây ra triệu chứng ho.
Bình thường khi nuốt, cơ vòng thực quản dưới nằm ở chỗ nối giữa thực quản và dạ dày sẽ mở ra để cho thức ăn đi xuống dạ dày và sau đó đóng kín lại. Nếu cơ này bị giãn bất thường hoặc bị yếu, axít trong dạ dày có thể chảy ngược lên thực quản gây ra bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản. Tuy nhiên, cho đến nay khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân của trào ngược dạ dày - thực quản mà chỉ xác định được những yếu tố góp phần làm cho hiện tượng trào ngược trở nên nặng hơn như:
- Sử dụng rượu, bia, Thu*c lá, béo phì.
- Sử dụng các Thu*c như: Theophylline, nitrates, kháng histamine.
- Chế độ ăn nhiều mỡ và thức ăn chiên, tỏi, hành, thức ăn chua, thức ăn có nhiều gia vị, hương liệu bạc hà.
- Sử dụng thức uống có chứa caffein.
- Thói quen ăn uống như ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc, ăn trước khi đi ngủ.
Trong bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản thường gặp các dấu hiệu như: ợ nóng dai dẳng, người bệnh có cảm giác đau rát ở giữa ngực, sau xương ức với đặc điểm là nó thường xuất hiện ở vùng thượng vị sau đó lan lên cổ và thường tăng lên sau khi ăn và ngay cả khi nằm hoặc gập người cũng có thể gây ra ợ nóng nhưng không phải tất cả mọi trường hợp bị trào ngược dạ dày - thực quản đều có dấu hiệu ợ nóng. Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản còn có những dấu hiệu sau:
- Ợ ra axít đắng trong khi ngủ.
- Thấy vị đắng trong miệng.
- Đặc biệt là triệu chứng ho, người bệnh ho khan, ho rất dai dẳng trong một thời gian rất dài và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý ở
đường hô hấp. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp các thầy Thu*c nhầm lẫn với bệnh viêm họng và điều trị trong một khoảng thời gian dài vẫn không hết, sau đó tiến hành nội soi dạ dày mới phát hiện ra và điều trị khỏi.
- Khàn giọng nhất là vào buổi sáng, đã có trường hợp chẩn đoán nhầm với bệnh viêm thanh quản và cũng đã thực hiện việc nội soi thanh quản mà không phát hiện gì về bệnh lý thanh quản.
- Thấy khó chịu trong cổ họng, như có một mẩu thức ăn bị vướng lại.
- Thở khò khè, đây cũng là dấu hiệu làm cho người bệnh và cả thầy Thu*c rất dễ nhầm với bệnh hen phế quản.
Ở trẻ em dấu hiệu thường gặp là nôn nhiều lần, ho và có thể kèm theo khò khè, khó thở.
Hiện nay, để chẩn đoán bệnh lý trào ngược dạ dày-thực quản, chủ yếu là “theo dõi độ pH thực quản trong vòng 24 giờ” nhưng ở nước ta chưa được thực hiện kể cả ở các bệnh viện lớn. Ở nước ta, để có thể chẩn đoán xác định bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản chủ yếu là dựa vào phương pháp nội soi dạ dày, qua đó có thể phát hiện tình trạng viêm, trợt hoặc loét thực quản, thoát vị cơ hoành để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị triệt để.
Làm gì phòng bệnh?
Để có thể phòng tránh bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, nhất là ở những người thường xuyên có biểu hiện ợ nóng cần tránh dùng những thức ăn, nước uống như sau:
Rượu, bia và những thức uống có cồn là những chất nguy hại đối với sự co giãn của cơ thắt thực quản làm cho dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản.
Cà phê, trà và những thức uống chứa caffein làm giãn cơ vòng dưới thực quản và gia tăng sự bài tiết acid trong dạ dày.
Đồ uống có gas làm trướng bụng và gây ra những tác động không tốt đối với cơ thắt dạ dày - thực quản.
Tránh dùng sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn nhiều đạm và canxi.
Gia vị và hương liệu, là những chất gây kích thích và làm tăng cảm giác nóng rát dạ dày.
Thực phẩm chứa nhiều chất béo, làm cho sự tiêu hóa thức ăn trở nên chậm và khó khăn hơn từ đó sẽ làm cho thức ăn nằm lâu trong dạ dày dẫn đến gia tăng sự bài tiết acid của dạ dày.
Các loại hoa quả như: cam, quít, bưởi và cả các loại nước ép từ các loại quả này sẽ làm tăng sự tiết dịch của dạ dày.
Bạc hà, là một tác nhân kích thích sự giãn cơ thắt thực quản.
Sôcôla, sữa là những chất có tác dụng làm tăng độ chua của dạ dày...
BS. HỒ VĂN CƯNG