Sức khỏe hôm nay

Bác sĩ khuyên độ tuổi vàng nếu phải niềng răng: Cha mẹ đừng bỏ lỡ!

Bài viết dưới đây được rút ra từ cuốn sách mới xuất bản của Ths.BS Nguyễn Quang Tiến sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến niềng răng - xu hướng chỉnh nha phổ biến hiện nay.

Thời điểm nào là tốt nhất để niềng răng?

Độ tuổi "vàng" được nha sĩ khuyên niềng răng là từ 6 tới 12 tuổi. Nhưng tất nhiên, người lớn vẫn có thể niềng răng hiệu quả, dù sẽ khó khăn hơn.

Tùy theo từng người, tùy vào cơ địa cũng như tình hình phát triển thực tế của răng miệng mà bác sĩ sẽ khuyên niềng răng vào thời điểm nào. Nếu thực hiện đúng thời điểm, hiệu quả chỉnh nha sẽ cao hơn, còn khi đã quá thời điểm "vàng", bệnh nhân sẽ phải đeo niềng răng lâu hơn mới đạt kết quả như mong muốn.

Một trong những điều cần hiểu về nhổ răng trong chỉnh nha mà tôi muốn nhấn mạnh đó là sức khỏe răng và sức nhai sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Như tôi đã nói, không có bác sĩ chỉnh nha nào muốn nhổ răng của bệnh nhân, trừ khi thật sự cần thiết.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, một hàm răng có khớp cắn tốt sẽ vẫn tốt hơn một hàm răng "có nhiều răng" nhưng tiếp xúc giữa các răng không tốt. Sức nhai của hàm răng sẽ phụ thuộc vào bề mặt răng "thật sự tiếp xúc" với hàm đối diện khi ăn nhai. Nghĩa là nếu bạn có chiếc răng khểnh hay răng bị lệch vào trong hay ra ngoài, thì những răng đó "không có tiếp xúc nhai".

Khi chỉnh nha, bác sĩ có thể nhổ đi chiếc răng bạn đang dùng để ăn nhai, nhưng sau đó sẽ kéo chiếc răng khểnh (hoặc răng bị lệch lạc khác) vào "vị trí ăn nhai". Vì vậy, sức nhai sẽ được phục hồi sau khi chỉnh nha. Về sức khỏe của răng, một chiếc răng sẽ có được "độ bền" lâu dài và tuổi thọ cao nếu trục răng được đặt ở vị trí thẳng góc so với cung hàm.

Ví dụ trường hợp răng cửa bị chìa ra trước, dưới tác dung của lực nhai, phần chân răng có thể bị ảnh hưởng, và "sức khỏe" của răng có thể không được tốt bằng một chiếc răng có trục dựng thẳng so với nền xương hàm. Khi chỉnh nha, bác sĩ sẽ cố gắng dựng trục răng phù hợp với nền xương hàm, nhằm giúp cho răng có "sức khỏe" khi ăn nhai tốt nhất.

Vài sự thật thú vị về niềng răng của bạn

- Răng bắt đầu hình thành trước cả khi chúng ta được sinh ra, răng sữa bắt đầu hình thành từ giai đoạn thai nhi nhưng đến 6 tháng tuổi thì răng mới bắt đầu mọc nhô lên.

- Men răng là chất cứng nhất trong cơ thể. Nhưng đừng chủ quan, nó cũng là chất dễ dàng bị huỷ hoại.

- Giống như dấu vân tay, bộ răng ở mỗi người là duy nhất, sẽ không có ai trên đời có bộ răng giống như bạn. Vậy nên trong những trường hợp đặc biệt, bộ răng chính là đặc điểm để nhận dạng ai đó.

- Sức khoẻ răng miệng có liên quan đến rất nhiều loại bệnh khác trong cơ thể. Nếu răng không được chăm sóc tốt, có thể dẫn đến các bệnh đường ruột, các vấn đề về tim, thận, đường tiêu hoá và các bệnh khác nữa.

Khác với những điều trị y tế khác, bên bàn tư vấn của một bác sĩ niềng răng thường là những câu hỏi và câu trả lời dường như không hồi kết.

Đôi khi có những ca "điều trị" diễn ra dưới dạng một buổi tư vấn tâm lý, và rốt cuộc dừng lại ở đó, không thể tiến xa hơn. Với bản chất không phải là quá trình điều trị bắt buộc mà là điều trị cải thiện, niềng răng không phải lúc nào cũng là lựa chọn ưu tiên của bệnh nhân.

Nhiều trường hợp bệnh nhân đến gặp tôi, đặt các câu hỏi, nhận được sự tư vấn, giải thích từ mọi góc độ khoa học lẫn đời sống, trở về nhà suy nghĩ, rồi tiếp tục quay lại với những câu hỏi mới, và đến cuối cùng là quyết định không niềng răng. Tôi luôn tôn trọng lựa chọn của bệnh nhân, suy cho cùng, chúng ta ai cũng có quyền sắp xếp những ưu tiên trong đời sống.

Hơn mười năm hành nghề, số bệnh nhân tôi từng tiếp xúc và điều trị là không thể đếm xuể, có những ca dễ dàng, tiến hành thuận lợi ngay từ khâu tư vấn, cũng có những trường hợp bệnh nhân cân nhắc tới lui nhiều lần, cũng có những ca khó, với những phác đồ điều trị phức tạp.

Từng sự gặp gỡ và điều trị đó, đối với tôi đều là trải nghiệm quý báu.

Về phía bệnh nhân, tôi cũng hiểu rằng niềng răng là cả một quá trình cam go, vất vả và đáng nhớ của các bạn. Thật ra nếu có thể, tôi mong mình có thể ghi nhớ từng người, từng trường hợp, từng cái lo lắng, nhíu mày vì ê ẩm và cả vô số những nụ cười mãn nguyện của các bạn.

Nhưng trí nhớ của chúng ta có cơ chế sàng lọc, tôi chỉ có thể ghi nhớ tất cả những trải nghiệm cùng bệnh nhân của mình trong cái tâm hành nghề chưa bao giờ thay đổi trong suốt những qua.

Dẫu với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, tôi chắc rằng ít có bác sĩ nào dám khẳng định có thể biết trước toàn bộ quá trình của một ca niềng răng sẽ diễn ra chính xác như thế nào. Luôn có những tình huống, những ngoại lệ cho từng trường hợp. Tuy nhiên, khoa học là khoa học, sẽ luôn có một khuôn khổ, một quy trình nhất định cho mọi ca niềng răng.

Quy trình niềng răng

Và nếu bạn có ý định niềng răng, bạn cần hiểu rõ quy trình này. Một ca niềng răng trung bình kéo dài từ một đến hai năm, có những trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến ba, bốn năm. Và bước khởi đầu của quá trình này, nếu không tính đến khâu "tư vấn tâm lý" như tôi có đề cập ở đầu sách, thì sẽ là giai đoạn thăm khám và chụp phim.

Từ kết quả phân tích phim này bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị.

Trong phác đồ điều trị này bạn sẽ hình dung được mình cần niềng răng trong thời gian bao lâu, rang dịch chuyển như thế nào trong từng giai đoạn, và hình dung được cả kết quả của quá trình niềng răng.

Giai đoạn tiếp theo là lấy mẫu và thiết kế mắc cài. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu răng bằng thạch cao cho bệnh nhân. Mẫu thạch cao này được dùng để so sánh với những thay đổi sau khi chỉnh nha, đối với những ca khó bác sĩ có thể từ mẫu thạch cao này hình dung ra cần gắn mắc cài vào vị trí nào để đạt được hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Cũng trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ tiến hành gắn thun tách kẽ cho bệnh nhân. Gắn thun tách kẽ là một thủ thuật gần như bắt buộc trong niềng rang (không tính đến những trường hợp răng thưa).

Mục đích của việc gắn thun tách kẽ là tạo ra khoảng trống giúp răng bắt đầu di chuyển khi được gắn mắc cài. Thun tách kẽ thường dày khoảng 2 mm, được đặt để tạo ra khoảng cách giữa răng số 5 và răng số 6, giữa răng số 6 và răng số 7.

Quá trình đặt thun tách kẽ diễn ra khá nhanh chóng, chỉ khoảng 5 phút. Sau khi đặt thun tách kẽ xong, bạn sẽ cảm thấy hơi ê răng, cộm khó chịu hoặc hơi đau khi ăn nhai, nhức nhẹ như bị vướng thức ăn ở vị trí răng đặt thun.

Những cảm giác này sẽ dần biến mất sau vài ngày, nói đúng hơn là bạn sẽ dần quen với nó nên không còn khó chịu. Sau khoảng năm - bảy ngày thì giữa hai răng hàm sẽ xuất hiện khe trống, đủ để bác sĩ gắn khâu vào răng cối (khâu - band).

Sau khi đã thiết kế mắc cài, sẽ bước sang giai đoạn tiến hành gắn mắc cài. Giai đoạn này chỉ được tiến hành khi bệnh nhân không có bất kỳ bệnh lý về răng miệng nào khác. Thời gian gắn mắc cài thường diễn ra trong khoảng 1,5 đến 2 tiếng đồng hồ.

Đây là bước đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ tuyệt đối. Trước khi kết thúc bước này bác sĩ sẽ kiểm tra lại lần nữa độ sát khít giữa các mắc cài để tránh gây đau đớn hay khó chịu cho bệnh nhân.

Sau khi đã gắn mắc cài, sẽ là giai đoạn chỉnh nha định kỳ. Cứ một tháng, hoặc sáu tuần bạn cần đến gặp bác sĩ một lần để thay thun và dây cung cũng như để bác sĩ kiểm tra, theo dõi độ dịch chuyển của răng. Việc thăm khám định kỳ này là đặc biệt quan trọng, bệnh nhân nhất thiết không được lơ là.

Vào cuối quá trình chỉnh nha, bệnh nhân sẽ được tháo mắc cài và đeo máng duy trì. Hàm răng đẹp có thể duy trì được bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào việc đeo máng duy trì. Bệnh nhân tuyệt đối không được chủ quan trong giai đoạn này.

Nếu xét từ góc độ điều chỉnh của răng thì một quá trình niềng răng có thể chia thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn một là thời gian sắp xếp các răng trên cung hàm về vị trí chuẩn. Giai đoạn này diễn ra từ khoảng hai đến sáu tháng đầu tiên.

- Giai đoạn hai kéo dài từ ba đến sáu tháng tiếp theo, là thời gian để điều chỉnh trục của các răng.

- Giai đoạn ba là thời gian điều chỉnh toàn bộ các khớp cắn, tạo sự chuyển dịch về vị trí cân bằng. Giai đoạn này kéo dài hơn, từ sáu đến mười hai tháng tiếp theo.

- Giai đoạn bốn, giai đoạn cuối cùng này kéo dài từba đến sáu tháng, là thời gian duy trì sự ổn định của các răng, giữ cho khớp cắn nằm ở vị trí chuẩn và cố định.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/bac-si-khuyen-do-tuoi-vang-neu-phai-nieng-rang-cha-me-dung-bo-lo-20200727142223174.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY