Chiều 18-11, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ phòng quản lý hồ sơ - giáo dục tư vấn Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Ông Dũng đã thực hiện hành vi dâm ô nhiều lần với nhiều bé gái tại trung tâm này.
Pháp luật Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em với rất nhiều điều, khoản luật, văn bản dưới luật và hệ thống quản lý bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại, đặc biệt là xâm hại T*nh d*c (XHTD). Bên cạnh đó, trung bình 1 trẻ em Việt Nam có đến khoảng 15 cơ quan, tổ chức cùng bảo vệ. Thế nhưng, rất nhiều vụ xâm hại trẻ em (đa số là XHTD) gây rúng động vẫn xảy ra, mà mới nhất là vụ tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM. Thực tế còn nhiều vụ chưa bị phanh phui, nhiều vụ dư luận lên tiếng nhưng thủ phạm vẫn nhởn nhơ hoặc chịu hình phạt quá nhẹ.
"Như vậy, trách nhiệm cơ quan thi hành luật pháp cũng như 15 cơ quan kể trên đến đâu? Thực tế rất ít tổ chức bảo vệ trẻ em tại các địa phương phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ. Có bao nhiêu nơi làm tốt việc tư vấn, hướng dẫn người dân biết như thế nào là hành vi XHTD trẻ em, làm thế nào để bảo vệ trẻ không bị xâm hại, khi bị xâm hại thì liên hệ ở cơ quan nào để được bảo vệ quyền lợi...? Nhiều nơi vào cuộc chậm hoặc lên tiếng không đủ mạnh, thiếu sự đốc thúc, giám sát trong giai đoạn điều tra, làm rõ sự vụ..." - luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP HCM) băn khoăn.
Riêng trong vụ này, luật sư Bích Liên cho rằng hành vi của đối tượng XHTD trẻ em đang bị pháp luật xử lý nhưng lãnh đạo trung tâm không thể vô can khi để xảy ra vụ việc trong một thời gian dài mà không biết để kịp thời xử lý.
Trong khi đó, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo thống kê của TAND Tối cao, trong nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người từ năm 2009 đến nay, tội hiếp dâm trẻ em đứng thứ 3, chỉ sau tội cố ý gây thương tích và tội Gi*t người. Điều đáng nói, số lượng các bị cáo bị các cấp tòa án đưa ra xét xử về các tội XHTD trẻ em trong những năm qua cũng tăng mạnh. Đối tượng phạm tội đa dạng, phức tạp, thuộc mọi độ tuổi, trình độ văn hóa, địa vị xã hội, mức độ tội phạm cũng khác nhau.
Hiện nay, các quy định về bảo vệ trẻ em của Việt Nam tương đối đầy đủ, các hành vi XHTD cũng bị xét xử nghiêm khắc, trong đó có cả những mức án chung thân, tử hình. Thế nhưng, tình trạng XHTD trẻ em vẫn không giảm mà ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng.
"Để ngăn ngừa tội phạm XHTD trẻ em, cần phải xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý đủ mạnh. Hiện Bộ Luật Hình sự đã quy định rất rõ và chi tiết về xử lý những hành vi liên quan đến xâm hại trẻ em nhưng khung hình phạt hiện quá rộng, với mức khởi điểm thấp nên không bảo đảm tính răn đe. Hiện nay, trên thế giới, XHTD trẻ em được coi là trọng tội và xử lý rất nghiêm khắc. Theo kinh nghiệm c ác quốc gia và của UNICEF, không có giải pháp thần kỳ nào duy nhất có thể giải quyết các vấn đề về xâm hại trẻ em, chúng ta phải đồng bộ từ tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường xử lý, hình phạt, dịch vụ can thiệp hỗ trợ, nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em. Giải quyết nhiều vấn đề từ nguồn nhân lực, tài chính mới có thể ngăn chặn được xâm hại trẻ em" - luật sư Toàn nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng vụ bê bối tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Không ai có thể ngờ trẻ em mồ côi, trẻ cơ nhỡ vốn yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi khi vào trung tâm lại bị chính người có trách nhiệm chăm sóc giở trò đồi bại.
"Bây giờ, trách nhiệm của Sở LĐ-TB-XH TP HCM là phải nhanh chóng xác minh gia đình để đưa các cháu về với mái ấm của mình; có trách nhiệm tìm giải pháp điều trị tổn thương tinh thần cho các cháu bị xâm hại. Đối với những trẻ còn lại trong trung tâm, lãnh đạo trung tâm và Sở LĐ-TB-XH phải quan tâm, chăm sóc tốt hơn để các cháu có cuộc sống yên vui" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói.
Tổ chức phi lợi nhuận Window to Happiness (ở Delhi - Ấn Độ) đánh giá Ấn Độ đứng đầu thế giới về số vụ lạm dụng T*nh d*c trẻ em. Theo dữ liệu thống kê, cứ 155 phút ở nước này lại có một trẻ dưới 16 tuổi bị XHTD. Trong khi đó, cha mẹ của những em nhỏ bị xâm hại lại không muốn người ngoài biết chuyện vì xấu hổ nên không báo cho nhà chức trách.
Cuối tháng 7 vừa qua, quốc hội Ấn Độ đã thông qua dự luật đưa ra mức án tử hình cho các vụ tấn công T*nh d*c nghiêm trọng đối với trẻ em cũng như các hình phạt nặng hơn đối với các tội ác khác đối với trẻ vị thành niên. Bộ trưởng Phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ Smriti Irani cho biết Luật Bảo vệ trẻ em trước các tội ác T*nh d*c (sửa đổi) 2019 nhằm bảo vệ 39% dân số nước này, tức 430 triệu trẻ em, cho dù là bé trai hay bé gái.
Bà Irani cho biết luật này cũng xác định rõ tội Khi*u d*m trẻ em cũng có thể bị trừng phạt. Đối với các đối tượng vị thành niên có liên quan đến tội XHTD trẻ em, tòa án có thể kết án tử hình trong trường hợp kẻ phạm tội trên 16 tuổi và hội đồng tư pháp vị thành niên xác nhận thủ phạm trưởng thành về nhận thức.
Chủ đề liên quan:
bảo vệ trẻ bảo vệ trẻ em hành vi dâm ô hiếp dâm trẻ em nguyễn tiến dũng quyết định khởi tố bị can tình dục trẻ em trung tâm hỗ trợ xâm hại xâm hại tình dục xâm hại trẻ em